Lễ công bố Quyết định công nhận cây di sản Việt Nam đối với cây thiên tuế ở đình Phú Nhuận, xã Phú Nhuận (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) diễn ra vào ngày 10/1.
Theo hồ sơ di sản, tuy chưa xác định chính xác được thời điểm cây thiên tuế hiện diện ở đình Phú Nhuận, nhưng theo các cụ cao niên trong vùng, khi trùng tu ngôi đình Phú Nhuận lần thứ nhất vào năm 1911, cây này đã có trong khuôn viên đình và đã trên 100 tuổi.
Theo PGS, TS Nguyễn Công Thuận (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), cây thiên tuế hay còn gọi là cây vạn tuế không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp tự nhiên mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa người Việt.
Với hình dáng mạnh mẽ và sức sống bền bỉ, cây thiên tuế được coi là biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn và trường thọ. Qua xét hồ sơ của cây, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam chính thức công nhận cây thiên tuế đình Phú Nhuận là cây di sản Việt Nam từ ngày 2/1/2025.
Hiện tại, cây thiên tuế này cao 6m, tán rộng 6m, chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3m là 3,2m, đường kính 1,4m. Phần thân từ gốc cao đến 2m chỉ một nhánh, từ 2m trở lên cây chia làm 2 nhánh, từ 2 nhánh này phân thành 10 ngọn, chu vi mỗi ngọn từ 0,5 - 0,8m.
Cây phát triển xanh tốt, không sâu bệnh, không có cây ký sinh hay nấm ký sinh. Đặc biệt, cây có khả năng kháng bệnh trong quá trình sinh trưởng, không phát hiện sâu bệnh, rệp sáp. Hàng năm, cây trổ bông vào mùa xuân, góp phần tạo nên cảnh quan đặc biệt linh thiêng cho đình Phú Nhuận.
Như vậy, đến nay Bến Tre đã có 6 cây được công nhận là cây di sản; trong đó, riêng TP Bến Tre có 2 cây là bạch mai cổ thụ trên 300 tuổi ở đình Phú Tự, xã Phú Hưng và cây thiên tuế ở đình Phú Nhuận.
Những năm qua, Hội đồng cây di sản đã xét duyệt và công nhận được hơn 7.000 cây đủ tiêu chuẩn là cây di sản Việt Nam thuộc 135 loài, phân bố trên 55 tỉnh, thành từ Hà Giang đến cực nam Mũi Cà Mau, từ núi cao Trường Sơn tới Trường Sa.
Trong đó, cây đạt kỷ lục cây cao tuổi nhất với 2.200 tuổi được Việt Nam ghi nhận là hai cây táu, có từ thời An Dương Vương ở Việt Trì (tỉnh Phú Thọ).
Việc lựa chọn và vinh danh cây thiên tuế cổ thụ không chỉ nhằm mục tiêu bảo tồn nguồn gen quý, tiêu biểu của nước ta, giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam với bạn bè thế giới mà còn quảng bá, nâng cao giá trị văn hóa cộng đồng, góp phần phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Bến Tre. |