Gang là một loại hợp kim của sắt và carbon, được sử dụng từ thời cổ đại để chế tạo nồi, chảo, đạn đại bác và các vật trang trí như lưới cửa sổ và mặt lò sưởi. Tuy nhiên, vật liệu này chưa từng được dùng cho các mục đích kết cấu cho đến khi kiến trúc sư Thomas Farnolls Pritchard đề xuất xây dựng cầu Iron Bridge bằng gang tại hẻm núi Severn, Shropshire, Anh.
Hẻm núi Severn, sau này đổi tên thành hẻm Ironbridge theo tên cây cầu, rất giàu than, quặng sắt và đá vôi. Ngành công nghiệp khai thác các tài nguyên này cũng phát triển mạnh trong khu vực vào cuối thế kỷ 18.
Nằm ở địa hình hẻm núi sâu, Ironbridge được tạo thành bởi hoạt động băng hà trong suốt kỷ băng hà cuối cùng. Điều này đồng nghĩa với việc ở gần bề mặt đồi có vô vàn các quặng than, sắt, đá vôi và đất sét lửa hữu dụng và thuận tiện cho ngành khai thác công nghiệp. Tuy nhiên, điều này cũng là chướng ngại vật cản trở việc xây dựng cây cầu gang đầu tiên thế giới bắc qua sông Severn.
Khi công nghiệp phát triển, nhu cầu về một cây cầu bền chắc để vận chuyển hàng hóa qua sông nảy sinh. Vì hẻm núi sâu và bờ sông không ổn định nên cây cầu phải có nhịp đơn và đủ cao để tàu thuyền đi qua bên dưới. Con sông bên dưới cũng là một tuyến đường giao thương quan trọng.
Vật liệu duy nhất chấp nhận được là gang, nhưng chưa ai từng xây một cây cầu bằng gang ở quy mô lớn như vậy. Iron Bridge là cây cầu đầu tiên thuộc loại này, dù nó không phải là cây cầu đầu tiên làm từ vật liệu sắt. Năm 1755, một cây cầu sắt được thi công tại Lyons, nhưng sau đó bỏ dở vì vấn đề chi phí. Năm 1769, cầu sắt rèn dài 22m được xây bắc qua một tuyến đường thủy ở Kirklees, Yorkshire.
Kiến trúc sư Thomas Farnolls Pritchard đề xuất một cây cầu bằng gang, kết nối Madley và Benthall, bắc qua sông Severn. Các thiết kế của Pritchard sau đó được phê duyệt và việc xây dựng bắt đầu vào năm 1777.
Khi hoàn thành vào năm 1779, Iron Bridge dài hơn 30m và nặng gần 400 tấn. Cây cầu sau khi hoàn thành được bắc qua hẻm núi Ironbridge - Di sản thế giới của UNESCO, cho phép các tàu thuyền có thể dễ dàng lưu thông bên dưới.
Năm 1943, Iron Bridge dừng cho phép xe cộ qua lại để tránh tạo áp lực không cần thiết lên cầu và dẫn đến nguy cơ sụp đổ. Cùng năm đó, công trình được xếp loại di tích ở Anh. Trong những thập kỷ tiếp theo, Iron Bridge được gia cố bằng cách xây thêm thanh chống bằng bê tông cốt thép. Ngày nay, cây cầu trở thành một trong những biểu tượng của Cách mạng Công nghiệp.