Trung Quốc nổi tiếng với những cây cầu ấn tượng khiến du khách trên khắp thế giới trầm trồ, từ cầu kính Trương Gia Giới, cầu kính hình chữ A ở Trùng Khánh đến Hồng Kiều ở Phượng Hoàng Cổ Trấn...
Trong số những kiệt tác đó, có một cây cầu ít được biết đến hơn nhưng lại mang vẻ đẹp ngoạn mục không kém, đó là cầu gỗ bắc qua sông Shiziguan - một con đường nổi ngoạn mục giữa lòng sông, được bao quanh bởi những dãy núi rừng bạt ngàn ở huyện Tuyên Ân, Hồ Bắc.
Chính thức khánh thành vào năm 2016, cây cầu tại danh thắng Shiziguan đã nhận được nhiều lời tán dương, được đặt cho danh xưng tuyệt vời như "cây cầu dài của những giấc mơ", "đường cao tốc nước đẹp nhất Trung Quốc" hay "cây cầu gỗ đẹp nhất thế giới". Những đoạn video ghi lại hành trình độc đáo này đã lan truyền nhanh chóng trên nhiều nền tảng mạng xã hội và nơi đây cũng trở nên nổi tiếng từ đó.
Với chiều dài 500m và rộng 4,5m, trên mặt nước có độ sâu là 60m, cây cầu được xây dựng trên dòng sông màu ngọc lam uốn lượn, tạo nên một bức tranh tuyệt vời. Theo thông tin từ nhóm kỹ sư thiết kế, cây cầu này được xây bằng gỗ, có những phao làm từ những ống nhựa nhiệt dẻo polyethylene có khối lượng phân tử siêu cao nên dù không có trụ vẫn chịu sức nặng của 10.000 người đi bộ cùng một lúc, thậm chí ô tô dưới 2,8 tấn cũng được phép di chuyển qua lại trên con đường độc đáo này. Mặc dù vậy, cây cầu vẫn được giới hạn vận tốc để tránh tạo ra sóng lớn.
Nếu trước đây du khách chỉ có thể đến thung lũng hùng vĩ này bằng thuyền, việc xây dựng cây cầu bằng gỗ này đã mở ra cơ hội cho du khách chiêm ngưỡng một phần của thung lũng hùng vĩ này một cách trọn vẹn, dễ dàng và an toàn hơn. Bước chân lên cầu nổi Shiziguan, du khách có cơ hội trải nghiệm cảm giác thú vị như đang bước đi trên mặt nước.
Mỗi khi có ô tô đi qua, những gợn sóng lan tỏa trên mặt nước tạo nên hình ảnh như những con thuyền nhẹ nhàng lướt qua sông. Hai bên của cây cầu được phủ bởi màu xanh ngọc của dòng sông và những rừng cây trùng điệp xung quanh, tạo nên một khung cảnh thanh bình, tươi mới vô cùng.
Trước đây, khu vực này được từng là một trong những điểm địa lý khó tiếp cận nhất ở huyện Tuyên Ân, vì vậy cây cầu không chỉ là điểm thu hút du khách mà còn giúp đỡ người dân địa phương di chuyển một cách thuận tiện hơn.