Cây cầu cuối cùng dùng cho cả tàu hỏa và ô tô trên cả nước sẽ 'biến mất' hoàn toàn

Theo quyết định, cây cầu này có chiều dài hơn 3.000m với mục đích giảm tải cho cầu đường sắt khu vực Bắc Giang, tránh ảnh hưởng đến vận hành, khai thác đường sắt.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây cầu đường sắt Cẩm Lý thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang với tổng mức dự kiến gần 800 tỷ đồng.

Theo đó, cầu Lục Nam (km 24+134 tuyến Kép - Hạ Long, theo lý trình đường sắt) hay còn gọi là cầu Cẩm Lý, bắc qua sông Lục Nam (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) được xây dựng từ năm 1979, là cầu chung duy nhất trên mạng lưới đường sắt Việt Nam hiện vẫn dùng cho cả tàu hỏa và ô tô đi trên cùng một mặt cầu.

Cầu Cẩm lý hiện là cầu chung duy nhất trên mạng lưới đường sắt Việt Nam vẫn dùng cho cả tàu hỏa và ô tô đi trên cùng một mặt cầu.

Dự án có điểm đầu thuộc địa phận xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Điểm cuối thuộc địa phận xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Tổng chiều dài tuyến khoảng 3.014m.

Về quy mô, phần đường thiết kế theo tiêu chuẩn tốc độ thiết kế 80km/h. Cầu đường bộ Cẩm Lý dài khoảng 631m; cầu vượt đường sắt (tuyến Kép - Hạ Long) chiều dài khoảng 175m; kết cấu phần trên dự kiến sử dụng nhịp bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết cấu phần dưới bằng bê tông cốt thép.

Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định pháp luật; Tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Ban Quản lý dự án đường sắt lưu ý thực hiện khảo sát chi tiết để tiếp tục đánh giá so sánh, đề xuất quy mô, giải pháp thiết kế bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế khu vực xây dựng, đáp ứng nhu cầu vận tải, an toàn công trình, bảo đảm hiệu quả kinh tế - kỹ thuật.

Được biết, cây cầu này nằm trên tuyến vận tải chính của tỉnh Bắc Giang, phục vụ nhu cầu đi lại và vận tải hàng hoá chủ đạo của tỉnh. Đến nay, cây cầu này vẫn đang phải "gồng mình" cho hàng nghìn lượt xe trọng tải lớn đi qua, đặc biệt vào mùa vải thiều hàng năm, tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn tắc.