Vùng đất Tây Bắc nổi tiếng với địa hình núi cao, sông sâu và nhiều con đèo dốc, tạo điều kiện cho việc xây dựng nhiều công trình giao thông lớn.
Trong số những dự án giao thông quan trọng, không thể không kể đến cầu Pá Uôn. Cây cầu này bắt đầu được khởi công vào giữa năm 2007 và dự kiến hoàn thành trước mùa lũ năm 2009, nhưng do gặp nhiều khó khăn nên phải đến 2010 mới được thông xe.
Cầu Pá Uôn nằm trên tuyến Quốc lộ 279, bắc qua hồ sông Đà, thuộc địa bàn xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, cách thành phố Sơn La khoảng 70km. Đây là tuyến đường giao thông chính kết nối Sơn La với các tỉnh Tây Bắc khác như Lai Châu, Điện Biên và Lào Cai.
Cầu Pá Uôn có tổng chiều dài 1.418m, trong đó phần cầu chính dài 918m; đường dẫn 2 đầu cầu dài 500m. Chiều rộng của cầu là 9m với phần xe chạy rộng 8m. Cầu được cấu thành từ 2 mố và 11 trụ, trong đó trụ chính cao tới 98,6m, chiều cao của cầu tính từ đáy sông lên mặt cầu là 103,8m.
Tổng vốn đầu tư cho cây cầu này là 740 tỷ đồng. Đây cũng là một dự án hoàn toàn "Made in Vietnam", với tất cả các công đoạn thiết kế và thi công đều được thực hiện bởi người lao động Việt Nam. Doanh nghiệp đứng sau thành công cầu Pá Uôn chính là CTCP Tập đoàn Cienco4 (C4G) – nhà thầu có thâm niên Top đầu ngành xây dựng Việt Nam.
Với trụ chính cao lên đến 98,6m, cầu Pá Uôn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là cầu có trụ cao nhất tại Việt Nam vào năm 2015.
Bên cạnh cầu Pá Uôn, cầu Móng Sến cũng là một công trình được mệnh danh “đệ nhất cầu trụ” tại Tây Bắc. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa 2 cây cầu là cầu Pá Uôn bắc qua sông Đà hung dữ; còn cầu cạn Móng Sến đi qua thung lũng dốc 3 tầng (không qua sông).
Việc xây dựng các cây cầu như Pá Uôn hay Móng Sến đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương Tây Bắc. Theo thông tin từ UBND huyện Quỳnh Nhai, mỗi năm, tại khu vực cầu Pá Uôn, lễ hội đua thuyền truyền thống luôn được tổ chức nhằm tôn vinh những nét văn hóa của cộng đồng sống hai bên dòng sông Đà, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế của vùng.