Cầu vượt biển dài nhất thế giới: Huy động số lượng thép đủ xây 60 tháp Eiffel, 'chấp' động đất, gió bão 120 năm

Cây cầu xác lập nhiều kỷ lục thế giới, được coi là công trình thế kỷ và cũng là dự án khó khăn nhất trong lịch sử xây dựng cầu đường nước này.

Cầu vượt biển Hồng Kông - Chu Hải - Macao (Trung Quốc) được biết đến là cây cầu dài nhất thế giới với chiều dài 55km, gồm 3 cây cầu cáp treo, 2 đảo nhân tạo với diện tích rộng 100.000m2 mỗi đảo và 1 đường hầm biển dài 6,7km. 

Cầu vượt biển này nằm trong khuôn khổ đại dự án dự án Greater Bay Area với tham vọng tạo ra một trung tâm công nghệ và khoa học kết nối 2 lãnh thổ Đại Lục – Hồng Kông và Macao (trung tâm sòng bài lớn nhất thế giới) với 9 thành phố lân cận.

Cây cầu như con rắn khổng lồ trườn giữa đại dương.

Theo tờ Thanh niên Trung Quốc, đây là cây cầu xác lập nhiều kỷ lục thế giới, được coi là công trình thế kỷ của Trung Quốc nhưng nó cũng là dự án khó khăn nhất trong lịch sử xây dựng cầu đường nước này. Cầu tiêu tốn hơn 400.000 tấn thép, gấp 4,5 lần số vật liệu được dùng để tạo nên cầu Cổng Vàng ở San Francisco (Mỹ), đủ để xây dựng 60 tháp Eiffel của Pháp, cùng 1,08 triệu m3 xi măng. 

Các kiến trúc sư đã phải tuân thủ những quy tắc xây dựng nghiêm ngặt từ hai quốc gia. Cầu không thể cao quá 150m, để tránh ảnh hưởng đến đường bay của máy bay từ sân bay Hồng Kông (Trung Quốc).

Vẻ đẹp ngoạn mục của cây cầu.

Ngoài ra, đây là tuyến đường ra biển của cửa khẩu Chu Hải, vì vậy để thuận tiện cho các phương tiện lớn di chuyển, đặc biết tránh các vụ va chạm tàu - lớn nhất là 300.000 tấn nên cầu có một đoạn ngầm dưới biển dài 6,7km nối 2 hòn đảo nhân tạo. Tại đoạn này, nhóm thi công đã đặt các đoạn cống ngầm sâu dưới đáy biển khoảng 22m và toàn bộ độ sâu tính đến bề mặt nước là gần 50m.

Công nghệ đặt cống ngầm ngoài khơi được giới xây dựng gọi là "công nghệ khó và phức tạp nhất thế giới" chỉ có một số quốc gia trên thế giới làm chủ được. Vào thời điểm đó, kinh nghiệm của Trung Quốc trong lĩnh vực này đã bằng 0. Sau hàng trăm cuộc họp và thử nghiệm trong nhiều năm trời,  công nghệ hoàn chỉnh để xây dựng đường hầm ống ngầm ngoài khơi" đại diện cho trình độ công nghệ hàng đầu thế giới của Trung Quốc được công bố. Để đặt được đoạn cống ngầm này, nhóm kỹ sư đã làm việc thông 96 giờ không ngủ.

Bên trong Nhà khách cảng và đường ngầm chạy 6,7km dưới đáy biển.

Cầu vượt biển Hồng Kông - Chu Hải - Macao cũng là cây cầu đầu tiên được xây dựng với tuổi thọ lên tới 120 năm trong bối cảnh rất nhiều công trình quan trọng trên thế giới đều có tuổi thọ hơn 100 năm. Nó có khả năng chịu các cơn bão và động đất lớn, đững vững trước cơn bão có sức gió hơn 300km/h. 

Cây cầu này thúc đẩy việc hợp tác giữa Quảng Đông, Hong Kong và Macau trong các lĩnh vực như thương mại, tài chính, dịch vụ hậu cần và du lịch. Đồng thời, thời gian đi lại giữa Chu Hải và Sân bay Quốc tế Hong Kong được rút ngắn xuống còn 45 phút thay vì 4 giờ đồng hồ như trước đây