Năng lực và trách nhiệm người quản trị
Kết thúc năm 2016, tình trạng hoạt động của TTF đã lên mức báo động khi ghi nhận mức lỗ lũy kế 1.629 tỷ đồng; doanh thu sụt giảm hơn 54%. Nguyên nhân thua lỗ nặng của TTF chủ yếu đến từ việc điều hành của ông Võ Trường Thành, cựu Chủ tịch HĐQT TTF và ông Võ Diệp Văn Tuấn, thành viên HĐQT, khi có tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu khi kiểm kê trong giá vốn hàng bán. Ngoài ra việc trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi và hàng tồn kho bị thiếu cũng khiến công ty rơi vào thua lỗ nặng.
Thời điểm này, CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát, công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn Vingroup (VIC), đã sở hữu 32,5% vốn điều lệ của TTF từ việc chuyển đổi khoản vay trị giá 1.202 tỷ đồng. Và dưới sự tham gia của VIC, hoạt động kinh doanh của TTF đã khởi sắc hơn, khoảng 30% doanh thu của TTF đến từ những dự án bất động sản của Vincom.
Ngay sau đó, Tân Liên Phát cũng kịp gom thêm 72,16 triệu cổ phiếu từ 12 cá nhân trở thành cổ đông lớn nhất nắm gần 50% vốn của Gỗ Trường Thành. Với động thái quyết tâm trở thành công ty mẹ của TTF, lúc bấy giờ TTF như cây héo được tưới thêm nước. Và viễn cảnh cho một tương lai tươi sáng hơn của công ty này được vẽ ra. Ngay cả các chuyên gia cũng kỳ vọng từ năm 2017 trở đi kết quả sẽ khả quan hơn do mở rộng được kênh phân phối, hợp đồng sản xuất và thi công gia tăng, đặc biệt là sau khi VIC nắm cổ phần chi phối.
Thế nhưng, cuộc đầu tư này đã nhanh chóng thất bại, khi Tân Liên Phát bắt đầu thoái lui dần, từ việc ngưng chuyển đổi khoản vay giá trị 1.202 tỷ đồng tại TTF. Đến việc thoái vốn dần dần qua việc bán bớt cổ phần tại doanh nghiệp này.
Việc Tân Liên Phát thoái lui bỏ mặc một doanh nghiệp đang khó khăn là một chuyện khó trách, vì quả thật không ai muốn đầu tư mà không mang lại lợi nhuận.
Mặc dù buồn cho TTF nhưng nhà đầu tư cũng tự hào rằng, ông chủ một thời tạo ra TTF vẫn còn trách nhiệm rất lớn dù năng lực chèo lái đã không còn, khi tháng 3 vừa qua, ông Võ Trường Thành và Võ Diệp Văn Tuấn cam kết sử dụng các tài sản của bản thân và người liên quan để khắc phục hậu quả do trách nhiệm quản lý yếu kém tại Gỗ Trường Thành. Các tài sản khắc phục của cha con ông Võ Trường Thành bao gồm 15,4 triệu cổ phiếu TTF và 57,4 tỷ đồng vốn góp tại các doanh nghiệp khác. Nếu tính theo giá thị trường (ngày 3/3/2017) thì riêng số cổ phiếu TTF có giá trị 104 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị TTF cho rằng, đây là một giải pháp về mặt dân sự để công ty có thể nhận được các tài sản từ người quản lý cũ, giảm thiểu được các thiệt hại cho công ty và các cổ đông.
Liệu TTF có “lột xác” dưới sự quản trị của ông Mai Hữu Tín? (Ảnh: Ánh Hoa) |
Tiếp tục đổi chủ
Chia tay ông Võ Trường Thành và cả ông chủ “hờ” thứ hai Tân Liên Phát, TTF lại chào đón ông chủ mới đến từ CTCP Xây Dựng U&I (Unicons) - một công ty thành viên của CTCP Đầu tư U&I, được thành lập bởi ông Mai Hữu Tín và bà Đoàn Ngọc Tố Uyên.
Sau khi thế chân Tân Liên Phát và trở thành cổ đông lớn của TTF khi mua lại 20,54% vốn, tương ứng 29 triệu cổ phiếu TTF, ông Mai Hữu Tín mới đây được HĐQT TTF mời vào vị trí tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty.
Thông tin Unicons trở thành cổ đông lớn của TTF đã giúp cổ phiếu này tăng trần 3 phiên liên tiếp từ ngày 4-7/4, từ mức 8.020 đồng/cổ phiếu lên 9.180 đồng/cổ phiếu.
Được biết, Unicons thành lập từ năm 2000 thuộc sở hữu của ông Mai Hữu Tín, chuyên về thiết kế thi công các công trình dân dụng, công nghiệp hàng đầu tại Bình Dương và phụ cận.
Việc ông Mai Hữu Tín lựa chọn thời điểm này mua vào cổ phần của TTF khá giống thương vụ ông mua lại toàn bộ cổ phần và nợ nhà đầu tư Nhật Bản - Daio Paper với tỷ lệ sở hữu 42,3% trị giá 416 tỷ đồng tại CTCP Giấy Sài Gòn (SGP) vào năm 2013. Thương vụ này đã tạo một điểm sáng cho doanh nghiệp Việt lúc bấy giờ, vì các thương vụ M&A đa phần diễn ra theo chiều hướng đối tác nước ngoài bỏ vốn mua cổ phần hoặc thâu tóm doanh nghiệp Việt.
Khi ấy, Giấy Sài Gòn cũng rơi vào khó khăn như TTF bây giờ, thế nhưng kể từ sau khi công ty này về tay ông Mai Hữu Tín đã xoay ngược tình thế, chuyển lỗ thành lời. Chỉ sau 2 năm, ông Tín cho biết, công ty đạt doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng và dự tính vận hành hết công suất năm 2019 sẽ vượt mốc 5.000 tỷ đồng.
Vậy, TTF có “lột xác” dưới sự quản trị của ông Mai Hữu Tín hay không vẫn còn chờ những bước đi tiếp theo của cổ đông lớn này trong thời gian tới.
Nhưng ngầm hiểu rằng, Unicons đầu tư vào TTF dù công ty đang thua lỗ là một “canh bạc” song bù lại, TTF đang sở hữu 13 công ty con chuyên kinh doanh gỗ được đặt tại các địa điểm như Đắk Lắk, Đắk Nông và 8 nhà máy sản xuất gỗ sẽ giúp cho Unicons khởi sắc trong thời gian tới.
TTF kết thúc thời hoàng kim của mình sau 20 năm đi vào hoạt động. Từ năm 2013, chỉ vì sử dụng đòn bẩy quá lớn để huy động vốn trên sàn chứng khoán, TTF đã phải chịu khoản vay ngân hàng lên tới 1.900 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhiều khoản vay có lãi suất cao đến 10% và thậm chí 20% đã khiến TTF rơi vào tình trạng hụt vốn. |
Bài & ảnh: Ánh Hoa