Theo HSBC, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, gây gia tăng nguy cơ tội phạm lừa đảo thông tin qua mạng. Trong bối cảnh đó, bảo vệ thông tin cá nhân là yếu tố quan trọng giúp khách hàng tránh các thủ đoạn gian lận trực tuyến.
Để giúp khách hàng phòng tránh và ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn này, HSBC Việt Nam đã chia sẻ những thông tin hữu ích nhằm nâng cao cảnh giác để không trở thành nạn nhân của những thủ đoạn lừa đảo mới.
Đăng ký tiêm vắc- xin ngừa COVID-19
Theo HSBC, nguy cơ lừa đảo về vắc-xin ngừa COVID-19 đang trở nên hiện hữu. Theo đó, đối tượng lừa đảo tiếp cận khách hàng qua điện thoại hoặc thư điện tử với mục đích đăng ký vắc-xin ngừa COVID-19 và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ tín dụng/tài khoản/mã OTP hoặc yêu cầu chuyển trước một khoản tiền để được đăng ký.
Đối tượng lừa đảo cũng có thể gửi cho khách hàng một đường dẫn qua thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại để đăng ký vắc-xin ngừa COVID-19 nhưng đường dẫn lại chứa phần mềm độc hại tấn công máy tính của khách hàng và ăn cắp dữ liệu cá nhân.
Dựa vào tâm lý chung về việc hạn chế đi lại do giãn cách xã hội trong thời kỳ COVID-19, đối tượng lừa đảo có thể giả vờ là nhân viên ngân hàng hoặc tổ chức uy tín để tiếp cận khách hàng và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.
Với những thủ đoạn lừa đảo trên, HSBC khuyến cáo khách hàng: “Tuyệt đối không chia sẻ với người khác bất kỳ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thẻ ATM, thẻ tín dụng, tên đăng nhập và mật khẩu của thiết bị bảo mật và ngân hàng trực tuyến, mã OTP...”.
HSBC cũng lưu ý khách hàng cẩn trọng về những yêu cầu nhận được. Bởi việc tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 được Chính phủ chính thức lên kế hoạch và sắp xếp. Do đó, hãy tìm hiểu thông tin từ các phương tiện truyền thông chính thống để biết được các kế hoạch tiêm phòng của Chính phủ.
Hoán đổi sim điện thoại
Trong thủ đoạn này, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại. Sau đó đối tượng lừa đảo hướng dẫn cách nhắn tin theo cú pháp của nhà mạng để chuyển đổi nhưng thực tế đây là yêu cầu chuyển đổi từ sim 3G (do khách hàng sử dụng) lên sim 4G của đối tượng lừa đảo. Nếu khách hàng làm theo hướng dẫn, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại.
Khi có được thông tin cá nhân và số điện thoại di động, đối tượng lừa đảo sẽ liên hệ nhà mạng với tư cách là chủ thuê bao di động để yêu cầu thay thế SIM với lí do bị mất thẻ SIM hoặc thẻ bị lỗi. Nhà cung cấp dịch vụ di động hủy SIM hiện có và phát hành SIM mới. Đối tượng lừa đảo tiếp đó sẽ nhận được tất cả thông báo về giao dịch ngân hàng, bao gồm cả OTP.
Trong trường hợp này, HSBC Việt Nam khuyến cáo: “Các khách hàng chỉ thực hiện yêu cầu chuyển đổi SIM tại các cửa hàng chính thức của nhà mạng hoặc làm theo hướng dẫn được đăng tải trên trang điện tử chính thức của nhà mạng. Nếu khách hàng không còn nhận được các cuộc gọi hoặc tin nhắn và không rõ lí do, hoặc điện thoại đang hiển thị “SIM chưa được đăng ký” hoặc một tin nhắn tương tự, hãy kiểm tra ngay với nhà mạng”.
Đồng thời, HSBC cũng lưu ý: Khách hàng cần đảm bảo thông tin liên lạc cung cấp cho ngân hàng là đầy đủ, chính xác và cập nhật. Thường xuyên kiểm tra sao kê ngân hàng gửi qua thư điện tử/ngân hàng trực tuyến. Nếu có bất kỳ giao dịch nào không nhận ra, khách hàng hãy liên hệ ngay với ngân hàng để được hỗ trợ…