Cuốn sách được quảng cáo là "trang bị đầy đủ chiến thuật kết hợp với nhiều đề thi bám sát đề thi mẫu đánh giá năng lực năm 2021, giúp thí sinh dễ dàng chinh phục 150 điểm thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội".
Cuốn Giải mã đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội do Nhà xuất bản Quốc Gia Hà Nội phát hành được quảng cáo trên mạng
Về thông tin quảng cáo và lời mời mua sách giải đề của page facebook này, trao đổi với báo chí, giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, theo xác nhận từ Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, từng có một nhóm tác giả gửi bản thảo xin đăng ký xuất bản và nhà xuất bản đang trong quá trình thẩm định.
Tuy nhiên, khi nhà xuất bản chưa đồng ý thì nhóm tác giả này đã chạy quảng cáo từ ngày 25/4. Nhà xuất bản đã có công văn đề nghị đơn vị/cá nhân thực hiện cuốn sách nói trên không mượn danh nghĩa nhà xuất bản để chạy quảng cáo.
Giáo sư Thảo cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội không tổ chức ôn luyện, không xuất bản các ấn phẩm phục vụ ôn luyện thi (ngoại trừ bài thi tham khảo) đánh giá năng lực. Việc tổ chức các khóa ôn luyện là không có tác dụng với học sinh. Tất cả các chuyên gia, cộng tác viên hoạt động liên quan thi đánh giá năng lực đều cam kết không tham gia luyện thi đánh giá năng lực. Ngay từ khi công bố về kỳ thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khuyến cáo học sinh không nên tin lời các trung tâm luyện thi mời chào đi học luyện đề thi đánh giá năng lực.
Ngân hàng câu hỏi của kỳ thi đánh giá năng lực có cả chục ngàn câu hỏi, kiến thức trải rộng thì không một trung tâm luyện thi nào có thể bao quát nổi. Hơn nữa, đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội thiên về đánh giá năng lực tư duy của thí sinh chứ không đánh giá khả năng trí nhớ.
Do đó, cách tốt nhất là thí sinh nên học chắc kiến thức cơ bản và làm quen với đề thi đánh giá năng lực bằng cách làm đề thi thử do Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp.
Theo giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, bài thi đánh giá năng lực năm 2021 tiếp cận theo hướng đánh giá toàn diện hơn, phù hợp khoa học khảo thí hiện đại.
Ba nhóm năng lực chính cần đánh giá gồm: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực Toán, Tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; tự khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội).
Kết quả bài thi đánh giá năng lực hướng tới nhiều mục đích như: Đánh giá năng lực học sinh để phân loại sau khi tốt nghiệp THPT; tư vấn cho hoạt động dạy và học, đảm bảo chất lượng giáo dục; dự báo chất lượng nhân lực phổ thông; tuyển sinh và dự báo kết quả học tập bậc đại học; hướng nghiệp cho học sinh.
Hồng Liên