Cẩn trọng trước “combo du lịch giá rẻ” tràn lan trên mạng xã hội

(CL&CS)- Mùa du lịch sôi động trở lại cũng là thời điểm xuất hiện nhiều hành vi lừa đảo thông qua gói combo du lịch giá rẻ khiến không ít người trở thành nạn nhân của chiêu trò này.

Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, ngành du lịch trong nước bắt đầu sôi động trở lại. Nhờ vậy mà các doanh nghiệp lữ hành được hưởng lợi rất lớn.

Lợi dụng tâm lý ham muốn dịch chuyển của du khách mà không ít đối tượng đã lợi dụng danh tiếng của các doanh nghiệp lữ hành để trục lợi. Bằng cách tung ra hàng loạt các combo vé máy bay, khách sạn, ăn uống nghỉ dưỡng giá rẻ kết hợp, nhiều người dân ham rẻ đã “sập bẫy” bằng chiêu thức “móc túi” hết sức tinh vi của các đối tượng lừa đảo.

Mất tiền vì ham rẻ

Mới đây, chị Thuý Vy (Hoàng Mai, Hà Nội) đã lỡ mất chuyến du lịch Nha Trang do đặt niềm tin vào mua 2 gói combo du lịch giá rẻ qua một tài khoản facebook trong nhóm tư vấn du lịch Phú Quốc. Combo 5 ngày 4 đêm bao gồm vé máy bay khứ hồi, phòng nghỉ tại resort Phú Quốc và ăn uống trị giá 12.180.000 đồng.

Không ít người "sập bẫy" vì ham du lịch giá rẻ.

Sau đó, chị đã chuyển khoản toàn bộ giá gói combo như yêu cầu của người bán. Tuy nhiên, cho đến ngày đi, gia đình chị vẫn không được cấp booking khách sạn. Chỉ đến khi gọi điện, nhắn tin vẫn không nhận được hồi âm, chị mới biết mình bị lừa.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên chị Thuý Vy trở thành nạn nhân của chiêu trò này. Trước đó, vào tháng 5/2021, chị còn từng đại diện đặt combo đi Nha Trang cho đoàn 10 người với giá gần 35 triệu đồng nhưng không có code vé máy bay, mã phòng khách sạn. Sau đó chị chặn số điện thoại mà mọi liên lạc khác.

Sau khi vụ việc này được chị Vy chia sẻ trong các hội nhóm du lịch, chị mới tá hoả khi biết nhiều người đã trở thành nạn nhân của đối tượng này.

Biến tướng từ các hội nhóm săn combo giá rẻ

Hiện nay, để săn được các combo du lịch, người dân đều đăng tải bài viết trên các hội nhóm mạng xã hội. Chỉ cần gõ các từ khoá “combo du lịch,” “du lịch giá rẻ,” “combo giá rẻ”…trên google và các trang mạng xã hội sẽ hiện ra hàng loạt các hội nhóm với hàng chục nghìn người tham gia cùng với những lời quảng cáo hấp dẫn.

Đối tượng sử dụng căn cước công dân của người khác và làm mã thẻ nhân viên để tạo lòng tin cho người mua.

Các hội nhóm này được lập ra nhằm mua bán các gói combo du lịch giá rẻ cho các du khách, tuy nhiên, ngày càng có nhiều đối tượng tham gia với mục đích lừa đảo, ăn chặn tiền của khách hàng.

Với lời quảng cáo “đại hạ giá” cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn, các bài đăng của nhiều đối tượng lừa đảo nhận được hàng nghìn bình luận từ người dùng mạng xã hội. Các đối tượng sẽ tự động nhắn tin quảng cáo, tư vấn, mời chào với những người đang có nhu cầu săn combo giá rẻ.

Để tạo niềm tin cho khách hàng, chúng sẵn sàng cung cấp hình ảnh chứng minh thư, địa chỉ công ty du lịch lữ hành cùng các phản hồi từ các khách hàng cũ. Mọi giao dịch dễ dàng “chốt đơn” chỉ sau vài tin nhắn.

Ngoài chiêu trò này, những kẻ lừa đảo giờ còn mạo danh các hãng lữ hành lớn đăng tin lên hội thanh lý voucher, combo, để giao dịch và lừa đảo. Ngoài những thủ thuật “biến ảo khó lường” này, nhiều kẻ gian còn sử dụng số giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép lữ hành, giải thưởng và tạo website rất đẹp để lừa khách.

Vì vậy, để tránh mắc lừa, người mua cần kiểm tra uy tín trên các group du lịch, kiểm tra kỹ tài khoản mạng xã hội của người bán. Tốt nhất, nên tìm mua tại các đơn vị uy tín hoặc từ bạn bè, người quen.

Người mua cần lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trọng quá trình mua combo như thanh toán, mail, tin nhắn... Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp combo làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé, các chi phí phát sinh khác. Đồng thời, không cung cấp hình ảnh căn cước công dân và các giấy tờ liên quan.

Để yên tâm hơn, người mua nên liên lạc với tổng đài của hãng máy bay để xác nhận giao dịch. Nếu có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo với cơ quan chức năng để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi của mình.

TIN LIÊN QUAN