Thời điểm cuối năm dương lịch và cận Tết Nguyên Đán là dịp nhiều người tăng cường mua sắm, chuyển tiền hoặc tìm kiếm việc làm thêm… Đây cũng là cơ hội để những kẻ lừa đảo tung ra những "chiêu lừa" hết sức tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản hoặc thông tin cá nhân của những người nhẹ dạ, cả tin.
Đặc biệt, những kẻ lừa đảo đang tận dụng những công nghệ mới như deepfake, trí tuệ nhân tạo… để tung ra những chiêu lừa hết sức tinh vi, khiến nạn nhân dễ dàng mắc bẫy.
Chính vì vậy mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, từ đó phát hiện các hình thức lừa đảo, cũng như cách phòng tránh để tự bảo vệ mình.
Hiện, công an các đơn vị địa phương cũng đã cảnh báo đến người dân 3 dạng lừa đảo có thể gặp vào dịp "năm hết Tết đến" để người dân kịp thời nắm bắt và phòng tránh.
1. Lừa đảo đánh vào lòng tham
Thời điểm sắp Tết cũng là lúc nhiều người muốn kiếm thêm tiền để mong có một cái Tết ấm cúng, no đủ. Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng lừa đảo sẽ giới thiệu việc nhẹ lương cao nhưng thực chất là lừa đảo mua bán người; thanh toán đơn hàng ảo để hưởng hoa hồng từ 10 – 15%; thông báo trúng thưởng và yêu cầu đóng phí nhận thưởng; giả Việt kiều gửi quà, gửi tiền và yêu cầu đóng phí để nhận; giả Điện lực thông báo hoàn trả phần tiền điện tính sai;.... Khi nhận được những yêu cầu này hãy bình tĩnh mà suy xét cẩn thận kẻo trúng bẫy lừa đảo cuối năm mà cái Tết không thể trọn vẹn.
Bên cạnh đó, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng mạnh trong dịp cuối năm và cận Tết, trong đó nhiều người thường lựa chọn mua hàng trực tuyến trên các trang thương mại điện tử hoặc trên các nền tảng mạng xã hội (như Facebook, Zalo…), nhiều kẻ lừa đảo đã thực hiện hành vi rao bán các thiết bị điện tử như smartphone, máy tính bảng, laptop… với mức giá rẻ hơn so với thị trường. Những kẻ này sẽ quảng cáo sản phẩm của mình là "xách tay" từ nước ngoài nên được miễn thuế, hoặc sản phẩm dành riêng cho nhân viên, nên có giá bán rẻ hơn thị trường nhằm thuyết phục người dùng.
Khi người dùng đặt mua những sản phẩm này, các đối tượng lừa đảo sẽ gửi những loại hàng nhái, hàng giả không đúng như quảng cáo, với giá trị thấp hơn rất nhiều so với số tiền mà người dùng đã bỏ ra để mua sản phẩm.
Đôi khi, những kẻ lừa đảo còn tinh vi đến mức giả làm người giao hàng để nhận tiền trực tiếp từ người mua, rồi nhanh chóng rời đi ngay sau khi nhận tiền mà không để người mua kịp kiểm tra hàng. Thậm chí, những kẻ lừa đảo sẽ "ôm" tiền mà không gửi bất kỳ sản phẩm nào cho người mua.
Lúc nhận ra mình bị lừa, người dùng sẽ liên lạc lại với phía người bán, nhưng mọi kênh liên lạc đều đã bị chặn. Lúc này, nạn nhân sẽ rơi vào bế tắc vì không có cách nào để giải quyết do không còn liên hệ được với người bán, trong khi tiền thì đã thanh toán.
2. Lừa đảo đánh vào sự mất bình tĩnh
Ở dạng này, các đối tượng sẽ giả mạo công an, Cơ quan tòa án, Viện kiểm sát gọi điện yêu cầu hợp tác điều tra để được hỗ trợ chạy án, tránh mất tài sản; Giả danh Điện lực gọi điện yêu cầu thanh toán tiền điện; Giả mạo giáo viên gọi điện yêu cầu chuyển tiền để cấp cứu cho con em bị tai nạn; Gọi điện dọa khóa sim vì chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao.
3. Lừa đảo đánh vào sự thiếu hiểu biết
Các đối tượng sẽ giả danh công an gọi điện hỗ trợ đăng ký tài khoản định danh điện tử (VNeID); Giả nhân viên nhà mạng điện thoại, gọi điện hỗ trợ nâng cấp sim; Chiếm đoạt sim, tài khoản mạng xã hội của nạn nhân để nhắn tin mượn tiền; Lừa đảo thông qua giả giọng, ghép mặt gọi điện mượn tiền; Lừa đảo thông qua dịch vụ lấy lại Facebook bị hack.
Cần làm gì để tránh những chiêu trò lừa đảo này?
Trên thực tế, hình thức mạo danh người thân trên Zalo cũng như các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, WhatsApp… để nhắn tin mượn tiền là chiêu lừa không mới. Do vậy, mọi người nên đề cao cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo và thông báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện bị lừa thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Khi có người mượn tiền, hãy gọi điện trực tiếp cho họ thông qua số điện thoại thay vì gọi điện qua Zalo hay gọi điện video. Ngoài ra, nếu người mượn tiền ở chung địa phương, hãy yêu cầu họ đến nơi gặp mặt trực tiếp nếu cần mượn tiền, thay vì liên lạc qua mạng xã hội.
Nếu có nhu cầu mua sắm thiết bị điện tử, người dùng nên đặt mua sản phẩm tại những hệ thống lớn và uy tín hoặc thông qua các sàn thương mại điện tử lớn, đồng thời xem kỹ đánh giá về người bán trước khi mua hàng.
Hiện các sàn thương mại điện tử có những cách khác nhau để ngăn chặn tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng như cho phép người dùng trả lại sản phẩm rồi hoàn tiền; giữ tiền thanh toán một thời gian trước khi chuyển cho phía người bán đề phòng trường hợp người mua khiếu nại và trả lại hàng do không nhận đúng sản phẩm…
Ngoài ra, người mua cũng nên kiểm tra hàng ngay khi nhận và chỉ trả tiền khi đã nhận đúng sản phẩm mình đặt mua, tránh chuyển tiền trả trước rồi mới nhận hàng. Để đề phòng, người dùng cũng nên quay video lại quá trình mình mở hộp đựng sản phẩm để có thể khiếu nại nếu cần.
Đặc biệt, mọi người cần lưu ý tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, đặc biệt ảnh chụp thẻ căn cước, ảnh chụp bằng lái xe… cho những người mà mình không quen biết, cũng như không đăng tải công khai những thông tin cá nhân lên mạng xã hội, tránh bị người khác lấy cắp và lợi dụng cho những mục đích xấu.