Cần sự minh bạch của thị trường thực phẩm bằng công nghệ số

(CL&CS)- Công nghệ số đã giúp cho doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên toàn chuỗi cung ứng, từ trang trại đến tay người tiêu dùng.

Ứng dụng công nghệ số hóa giúp minh bạch trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành một xu hướng trong những năm gần đây. Theo đó việc minh bạch thông tin sản phẩm hiện nay không còn là việc đọc thông tin, mà còn tăng tương tác hai chiều giúp tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp đã hướng đến sản xuất thực phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP…, nhưng như vậy vẫn chưa đủ nghiêm ngặt cho chuẩn mực chất lượng. Người tiêu dùng cần có sự minh bạch hơn về quy trình, nguồn gốc sản phẩm, tức họ cần có thông tin truy xuất nguồn gốc tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, để biết liệu đơn vị cung cấp sản phẩm có nỗ lực tối đa trong vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm hay không; sản phẩm có được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm túc trong toàn bộ chuỗi cung ứng hay không.

Theo Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, thời gian gần đây, liên tục xuất hiện hành vi gian dối, biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ “đội lốt” nhãn mác VietGAP để đưa hàng vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng. Để thoát khỏi vòng xoáy của thực phẩm bẩn, các nhà sản xuất chân chính phải liên kết lại với nhau để chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn minh bạch.

Theo T.S Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho biết việc minh bạch quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm là niềm mong mỏi của mọi người từ cơ quan quản lý Nhà nước, người tiêu dùng và tự thân doanh nghiệp, khi họ muốn có được niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm thực phẩm an toàn và chất lượng của doanh nghiệp.

Trước đây, để chứng minh doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ hoặc thực phẩm đạt bất kỳ một tiêu chuẩn nào của Việt Nam hay của bất kỳ một nước nhập khẩu nào, cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài nước yêu cầu doanh nghiệp phải ghi chép và lưu trữ hàng tập hồ sơ giấy tờ dày cộp rất khó tìm kiếm khi có các yêu cầu kiểm tra.

Ngày nay nhờ các phần mềm kỹ thuật số, mọi quy trình đều được ghi lại trên hệ thống phần mềm truy xuất dễ dàng bằng máy tính, điện thoại. Công nghệ số đã giúp cho doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên toàn chuỗi cung ứng, từ trang trại đến tay người tiêu dùng.

Với mục tiêu tập hợp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện minh bạch hoá sản phẩm của mình, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch đã giới thiệu các tiêu chuẩn chất lượng thị trường và công cụ để đáp ứng yêu cầu minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kết nối các hội viên của hiệp hội, các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý Nhà nước để cùng nhau phát triển một nền nông nghiệp, một nền sản xuất, kinh doanh thực phẩm lành mạnh, chất lượng và an toàn, đồng thời tạo sự thuận tiện, dễ dàng khi truy xuất thông tin minh bạch cho tất cả mọi người.

Hiệp hội Thực phẩm minh bạch khuyến khích các nhà sản xuất tăng cường minh bạch qui trình sản xuất, nhà thương mại chú trọng truy xuất nguồn gốc hàng hóa, gia tăng niềm tin thị trường để góp phần tăng trưởng doanh thu và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng đúng với thông điệp mà Hiệp hội luôn hướng đến là ‘Thực phẩm an toàn cần minh bạch’.

TIN LIÊN QUAN