Cần nâng cao nhận thức, kỹ năng về tiêu chuẩn hóa cho doanh nghiệp

(CL&CS) - Tiêu chuẩn hóa đã đóng góp một phần quan trọng, cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Bởi vậy, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và kỹ năng về tiêu chuẩn hóa nói chung và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực chuyên ngành nói riêng cho cán bộ, nhân viên đặc biệt là người đứng đầu.

Tiêu chuẩn hóa đóng góp quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Ở Việt Nam, kể từ khi nước ta chủ trương đổi mới nền kinh tế, hoạt động tiêu chuẩn hóa là một trong những lĩnh vực luôn đi đầu và tham gia tích cực trong hoạt động hội nhập quốc tế và khu vực khi chúng ta sớm tham gia là thành viên của nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực như: Liên minh viễn thông quốc tế ITU (1975); Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế - ISO (năm 1977); Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm CODEX (1989), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế - IEC (2002), Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN - ACCSQ (1995), Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn của APEC - SCSC (1998), Diễn đàn Tiêu chuẩn khu vực Thái Bình Dương - PASC (1989)...

Năm 2006, với việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm cam kết thực thi Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (hiệp định WTO/TBT) và trở thành thành viên Tổ chức thương mại Thế giới, việc xây dựng TCVN trên cơ sở chấp nhận và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đã trở thành chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong kế hoạch xây dựng TCVN hằng năm (chiếm trên 90%). Tính đến nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN) đã có hơn 13.000 TCVN, đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực là trên 60%.

Theo đó, hệ thống TCVN được bổ sung về số lượng, nâng cao về mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế/ khu vực, bao quát đầy đủ hơn các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường cả trong nước và quốc tế, đáp ứng nhu cầu thị trường, yêu cầu quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn vệ sinh sức khỏe con người và môi trường.

Các TCVN trong một số lĩnh vực chủ lực, chiến lược như nông nghiệp hữu cơ, đô thị thông minh, sản xuất thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, xử lý chất thải, an toàn thực phẩm, cơ khí chế tạo... đã được ưu tiên soát xét, xây dựng trong thời gian qua trên cơ sở chủ yếu là chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực giúp doanh nghiệp Việt nâng cao trình độ khoa học công nghệ, cập nhật các xu hướng mới của thế giới để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với việc áp dụng các TCVN hài hòa tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tránh và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại một cách bài bản và thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tạo cơ hội cho việc hợp tác, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Các chuyên gia đánh giá, tiêu chuẩn hóa đã đóng góp một phần quan trọng, cơ bản cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò của tiêu chuẩn hóa hiện nay của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm là phải nâng cao nhận thức và kỹ năng về tiêu chuẩn hóa nói chung và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực chuyên ngành của doanh nghiệp nói riêng cho cán bộ, nhân viên, đặc biệt là người đứng đầu.

Khi đã có nhận thức và kiến thức cần thiết doanh nghiệp cần hoạch định phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa của mình với sự tham gia của tất cả các bộ phận. Đồng thời, để có thể phát triển bền vững và dài hạn nên hướng tới một chiến lược tiêu chuẩn hóa cho công ty. Kế hoạch chiến lược này cần xoay quanh việc thiết lập hạ tầng chất lượng dựa trên tiêu chuẩn hóa của doanh nghiệp như đã nói ở trên, trên cơ sở từ thấp đến cao tùy theo mục tiêu và tiềm lực của doanh nghiệp trong từng giai đoạn. Kế hoạch này cần lấy việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn công ty làm trọng tâm trong giai đoạn đầu nhằm thiết lập nền tảng cho việc nâng cao năng suất và chất lượng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng có một thực tế rằng nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng tiêu chuẩn, hoặc hiểu về tiêu chuẩn chưa tới. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần dẫn dắt, xây dựng tiêu chuẩn, truyền thông cho doanh nghiệp, giúp họ thay đổi tư duy trong xây dựng tiêu chuẩn; xây dựng chứng nhận tiêu chuẩn cho doanh nghiệp;...

TIN LIÊN QUAN