Cân đối nguồn lực hợp lý nhất cho chương trình phục hồi kinh tế

(CL&CS) - Không đề cập cụ thể quy mô “gói” hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết Bộ KH&ĐT đã tham vấn các ý kiến của chuyên gia đầu ngành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để cân đối nguồn lực hợp lý nhất cho chương trình phục hồi.

Thông tin về quá trình xây dựng chương trình phục hồi kinh tế, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021, Thứ trưởng Bộ KH%ĐT Trần Quốc Phương cho biết, triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ KH&ĐT đã rất khẩn trương và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là tham vấn ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, lao động xã hội… cả trong và ngoài nước. Bộ cũng đã kịp thời đáp ứng yêu cầu trình các dự thảo chương trình đến cấp có thẩm quyền.

Về nội dung dung cơ bản, Thứ trường cho biết, Chương trình phục hồi kinh tế đề xuất 5 nhóm giải pháp trên cơ sở tham khảo các bài học kinh nghiệm của quốc tế, các bài học kinh nghiệm trong quá khứ, đặc biệt là thời kỳ suy thoái kinh tế giai đoạn 2009-2011.

“Trên cơ sở đó đề ra các quan điểm, đặc biệt là quan điểm quan trọng và cốt lõi là kết hợp cả phục hồi và phát triển. Do vậy, các giải pháp đưa ra cũng kết hợp giữa ngắn hạn và căn cơ trong dài hạn…”- Thứ trưởng cho biểt.

Theo đó, nhóm giải pháp thứ nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng linh hoạt, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế - xã hội được bình thường. “Đây là giải pháp căn cơ, điều kiện cần để thực hiện các giải pháp khác…”- Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Nhóm giải pháp thứ hai liên quan đến an sinh xã hội, đây là vấn đề thể hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, phát triển hài hòa giữa vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội, đặc biệt là hỗ trợ những đối tượng trong xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nhóm giải pháp thứ ba liên quan đến hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 thời gian qua để có cơ hội phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình cũng như có các nguồn lực cần thiết để có thể phục vụ cho chặng đường dài sắp tới.

Nhóm giải pháp thứ tư mang tính dài hơi liên quan đến thúc đẩy đầu tư công, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đúng kế hoạch, đầu tư công trung hạn, có đề xuất các điểm nhấn trong việc thúc đẩy đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Nhóm giải pháp thứ năm mang tính chất quản lý, điều hành, đặc biệt hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro cũng như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các nhóm giải pháp được kỳ vọng sẽ thực hiện các mục tiêu phục hồi nền kinh tế.

Về nguồn lực, Thứ trưởng cho biết, đây là vấn đề rất quan trọng đảm bảo các giải pháp mang tính khả thi và Bộ KH&ĐT cũng đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có liên quan đến sử dụng nguồn lực như Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác để xây dựng cân đối nguồn lực hợp lý nhất. “Chương trình đang trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…:- Thứ trưởng Phương cho hay.

Trước đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải thông tin về Chương trình khôi phục kinh tế, trong đó có đề xuất gói phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 với quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng và cho rằng dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này tại Kỳ họp thứ 2.

Tuy nhiên trao đổi với báo chí Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn khẳng định đây là thông tin không chính thống. Việc đề xuất nội dung vào chương trình nghị sự của Quốc hội cần bảo đảm quy trình của luật định.

Phía Bộ KH&ĐT cũng từ chối bình luận về con số đó và cho rằng đây là vấn đề đang được bàn thảo.

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

TIN LIÊN QUAN