Các ngân hàng tích cực chia cổ tức bằng cổ phiếu

(CL&CS) - Ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid1-19, cùng với đó là nhiều ngân hàng đang phải trải qua quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, nên chọn phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, một số ngân hàng chưa chia được cổ tức cho các cổ đông.

Năm 2019, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 7.500 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 15%. Lợi nhuận sau thuế để lại của năm 2019 như vậy còn 1.967 tỷ đồng. Với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 3.617 tỷ đồng. Việc chi trả sẽ thực hiện trong quý 3 đến quý 4, thời gian cụ thể sẽ giao cho HĐQT thực hiện. Ngân hàng sẽ chia thành 2 giai đoạn, cụ thể: chia cổ tức bằng cổ phiếu và chuyển sàn trong tháng 11, 12/2020.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, cổ đông của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng thắc mắc tại sao không chia cổ tức bằng tiền mặt, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay, theo kế hoạch ban đầu ACB dự kiến 2019 chia cổ tức bằng cổ phiếu 20% và tiền 10%, nhưng do tình hình dịch bệnh NHNN yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì vậy, HĐQT ACB đã trình NHNN chia cổ tức 2019 cho cổ đông ở mức 30% bằng cổ phiếu.

Cũng theo ông Toàn, khi thực hiện chủ trương của NHNN hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ACB đã dành 35.000 tỷ đồng hỗ trợ, cho vay mới và hạ lãi suất so với khoản vay trước 1%.

ACB dự kiến chia cổ tức năm 2019 ở mức 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Trước yêu cầu của NHNN, khả năng ACB sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.

Tại ĐHCĐ thường niên 2020 diễn ra ngày 22/5 vừa qua, cổ đông MSB thắc mắc tại sao không dùng khoản lợi nhuận còn lại giá trị gần 900 tỷ của năm 2019 để chia cổ tức (tỷ lệ 5%), ông Huỳnh Bửu Quang, Phó chủ tịch HĐQT MSB cho biết, ngân hàng sẽ không chia cổ tức khi chưa xử lý xong nợ xấu.

Theo ông Quang, hiện tại, MSB còn 900 tỷ đồng nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), đến quý III/2020 sẽ xử lý xong, khi đó việc chia cổ tức sẽ thuận lợi hơn.

Tại ĐHCĐ diễn ra vào ngày 30/6/2020 tới đây, HĐQT OCB sẽ trình cổ đông kế hoạch cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25-27%. Năm 2019, OCB cũng đã chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ từ 6.600 tỷ đồng lên 7.899 tỷ đồng.

HĐQT Sacombank đã kiến nghị NHNN chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại nhưng chưa nhận được ý kiến phản hồi.

Tại Đại hội đồng cổ đông vừa được tổ chức mới đây, các cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng rất quan tâm đến vấn đề chi trả cổ tức. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Phong, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực cho biết trong quá trình tái cơ cấu, Sacombank chỉ được chia cổ tức sau khi được NHNN chấp thuận. HĐQT Sacombank đã kiến nghị NHNN chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại nhưng chưa nhận được ý kiến phản hồi.

Trong khi đó, ông Miên Tuấn cho biết thêm lợi nhuận giữ lại của Sacombank riêng lẻ hơn 4.500 tỷ đồng, hợp nhất là hơn 5.000 tỷ, hiện tại chưa được chia thì sau này sẽ được hưởng.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank chia sẻ HĐQT phải chịu cảnh “trên đe dưới búa”. Ông Minh "tâm sự" bản thân ông cũng muốn NHNN cho chia bởi chia thì cổ phiếu mới tăng được. Vì vậy, ông khẳng định "HĐQT cố gắng hoàn thành lộ trình tái cơ cấu, kỳ vọng năm 2023 hoàn thành và có thể bàn đến chia cổ tức cho cổ đông".

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (EximBank - Mã: EIB) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Theo tài liệu thì về phương án phân phối lợi nhuận, toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ của năm 2018, 2019 sẽ được giữ lại (năm 2018 là 704 tỷ đồng và năm 2019 là 1.380 tỷ đồng).

"Eximbank là ngân hàng chưa đủ điều kiện để chia cổ tức do là ngân hàng đã được NHNN chấp thuận gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt. Nguồn lợi nhuận giữ lại này sẽ là nguồn để xử lý nợ xấu cho đến khi toàn bộ phần trái phiếu gia hạn được thanh toán", tài liệu nêu rõ.

Cụ thể, Eximbank được NHNN chấp thuận tổng thời gian gia hạn và thời gian gốc là 10 năm kể từ ngày phát hành đối với các trái phiếu phát hành từ năm 2015 trở về trước, chưa được thanh toán hết vào cuối năm 2019. Do đó, Eximbank sẽ trình cổ đông không chia cổ tức cho năm 2018 và năm 2019.

Tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà Nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng; kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức ĐHCĐ và trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Vân Thư

Nên đọc