Doanh thu đạt mức cao kỷ lục
Năm 2022 có lẽ là năm thành công nhất của Tập đoàn Lộc Trời khi doanh thu thuần đạt mức cao nhất với 11.691 tỷ đồng, tăng 14,3% so cùng kỳ năm trước (YoY). Lợi nhuận gộp đạt 2.351 tỷ đồng, tăng 7,4% YoY; biên lợi nhuận gộp ở mức 19,8%, giảm nhẹ so với mức 20,9% của năm 2021.
Hiện nay, hai ngành có tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn Lộc Trời là thuốc bảo vệ thực vật và lương thực với tỷ trọng 36,9% và 54,1%.
Năm 2022, thuốc bảo vệ thực vật đã mang về 4.393 tỷ đồng doanh thu, giảm 727 tỷ đồng, tương đương 14,2% YoY. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp lại tăng 110 tỷ đồng, tương đương 6,2% lên mức 1.878 tỷ đồng. Thuốc bảo vệ thực phẩm chiếm 79,9% trong cơ cấu lợi nhuận gộp của Tập đoàn Lộc Trời. Biên lợi nhuận gộp của mảng thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 34,5% của năm 2021 lên 42,8% trong năm 2022.
Được biết, thuốc bảo vệ thực vật là ngành truyền thống, lâu đời nhất của công ty. Hiện nay, Tập đoàn Lộc Trời là một trong những đơn vị dẫn đầu thị trường thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất phối trộn và phân phối hơn 60 sản phẩm thuộc các dòng xử lý hạt giống, trừ ốc, trừ cỏ, trừ sâu, trừ bệnh và dinh dương - hữu cơ sinh học.
Mảng lương thực đã mang về 6.431 tỷ đồng doanh thu trong năm vừa qua, tăng 2.355 tỷ đồng tương đương 57,8% YoY. Lợi nhuận gộp của mảng lương thực tăng 114 tỷ đồng, tương đương 146,1% YoY và đạt 191 tỷ đồng. Hiện nay, mảng này chiếm tỷ trọng 8,1% trong cơ cấu lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận gộp của mảng lương thực đạt 3%, đã cải thiện từ mức 1,9% của năm 2021.
Các mảng khác gồm: Hạt giống cây trồng, bao bì, xây dựng đóng góp 1.069 tỷ đồng doanh thu, chiếm 9% cơ cấu doanh thu và 281 tỷ đồng lợi nhuận gộp, chiếm 12% cơ cấu lợi nhuận gộp.
Kết thúc năm vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời đạt 413 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 1,1% YoY nhưng đã vượt 13 tỷ đồng so với kế hoạch 400 tỷ đồng được đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thông qua.
Các khoản phải thu tăng cao bất thường
Tại thời điểm 31/12/2022, Tập đoàn Lộc Trời có 8.728 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 11,24% so với đầu năm, tương đương 882 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn đạt 6.269 tỷ đồng, chiếm 71,8% cơ cấu tổng tài sản.
Trong kỳ, các khoản phải thu của Tập đoàn Lộc Trời tăng cao bất thường, đạt 3.608 tỷ đồng, chiếm 35,6% cơ cấu tài sản. Cụ thể, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 1.980 tỷ đồng, tăng 121,6%.
Theo đó, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đạt 2.329 tỷ đồng, gồm: 127 tỷ đồng từ Phạm Duy Dương; 154 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Ánh Vân; 284 tỷ đồng từ Công ty TNHH MTV Bảy Binh; 174 tỷ đồng từ Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Cường Nguyên Agri; 142 tỷ đồng từ hộ kinh doanh cửa hàng vật tư nông nghiệp Bảy Binh và 1.447 tỷ đồng từ các khách hàng khác.
Trả trước cho người bán ngắn hạn 282 tỷ đồng. Phải thu về cho vay ngắn hạn 6 tỷ đồng. Phải thu về cho vay dài dạn 459 tỷ đồng, gồm: CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Đại Tài 309 tỷ đồng; CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Hiếu Nhân 150 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn có 788 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác.
Đáng chú ý, Tập đoàn Lộc Trời phải dự phòng các khoản phải thu khó đòi lên tới 298 tỷ đồng. Mặc dù, dự phòng các khoản phải thu đã giảm 12 tỷ đồng so với năm 2021 nhưng con số 298 tỷ đồng là rất lớn so với lợi nhuận làm ra hàng năm của đơn vị.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Lộc Trời đang vay nợ 3.847 tỷ đồng từ ngân hàng và phải gánh chịu tiền lãi 222 tỷ đồng nhưng ban lãnh đạo lại hào phóng cho vay lại. Điều này không đảm bảo sự an toàn đồng vốn của cổ đông.
Phải chăng vì những lý do trên mà thị trường chứng khoán không đánh giá cao cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời khi LTG đang giao dịch với tỷ số P/E chỉ 4,77 lần, thấp hơn rất nhiều các công ty cùng ngành lẫn thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện nay, công ty có vốn điều lệ 806 tỷ đồng. Các cổ đông lớn của Tập đoàn Lộc Trời là Marina Viet Pte. Ltd. (tỷ lệ sở hữu 25,21%), UBND tỉnh An Giang (24,15%) và Augusta Viet Pte. Ltd. 5,71%.