Các hoạt động thu ngoài lãi của SCB tăng trưởng mạnh

(NTD) - Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2019 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho thấy ngân hàng không chỉ tăng trưởng ở các mảng hoạt động chính như huy động và cho vay mà thu ngoài lãi cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 30/9/2019, tổng tài sản của SCB đạt 551.593 tỷ đồng, tăng 43.443 tỷ đồng so với đầu năm, dẫn đầu về tổng tài sản trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh.

Trong các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, SCB đang dẫn đầu về tổng tài sản (552.548 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng (426.257 tỷ đồng), cho vay khách hàng (324.371 tỷ đồng).

Huy động thị trường 1 của ngân hàng đạt 467.108 tỷ đồng, tăng 48.062 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 11,5% so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó, tiền gửi khách hàng đạt 426.257 tỷ đồng, tăng 10,74%.

Để thu hút khách hàng, SCB đã ra mắt sản phẩm Chứng chỉ tiền gửi dài hạn với mệnh giá từ 100 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, kỳ hạn 469 ngày với lãi suất lên đến 8,9%/năm. Ngoài ra, SCB cũng là ngân hàng đầu tiên trên thị trường triển khai tính tăng “Gửi tiền online - Sổ tiết kiệm trao tay”.

Đối với hoạt động tín dụng, SCB liên tục ra mắt các sản phẩm dịch vụ mới, hướng đến nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Bên cạnh một số sản phẩm đã được triển khai từ đầu năm như Thẻ Tín dụng quốc tế SCB - S care với thông điệp “Trao yêu thương, tròn hạnh phúc”, gần đây SCB tiếp tục đưa ra các chương trình ưu đãi mới, mang tính cạnh tranh trên thị trường như chương trình “Vay siêu linh hoạt” với 3 tiêu chí nổi bật là Vay siêu nhanh - Vay siêu dễ - Siêu linh hoạt và “TOP-UP Vay dễ dàng - Vốn thêm nhanh” với nhiều đặc quyền dành cho những khách hàng có nhu cầu vay thêm vốn. Tính đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay đạt 324.371 tỷ đồng, tăng 22.479 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 7,45% so với đầu năm 2019, nằm trong hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Đối với các hoạt động phi tín dụng, thu phí dịch vụ tiếp tục là thế mạnh của SCB với mức tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt 763 tỷ đồng. Các hoạt động khác như bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán cũng đạt được kết quả tích cực, tổng doanh số bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm đạt 400 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2018, lãi thuần từ kinh doanh chứng khoán tăng trưởng 33%, đạt 420 tỷ đồng.

Bên cạnh việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, SCB đã chủ động trích lập dự phòng với chi phí dự phòng trong 9 tháng đầu năm 2019 là 3.344 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 154 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 29,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hiện tại của ngân hàng thấp song bộ đệm dự phòng cao sẽ là nguồn lợi nhuận để dành trong tương lai.

Trí Nguyễn

Nên đọc