Các chuyên gia nói gì về đề xuất giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giảm lãi xuất?

(CL&CS) - Ủng hộ phương án Ngân hàng nhà nước (NHNN) xem xét việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (DTBB) của nhóm nghiên cứu Trường Đại học kinh tế Quốc dân (NEU), song theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, có lẽ cũng chỉ có thể ở mức thận trọng, trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn còn yếu, lạm phát và nợ xấu đang gia tăng…

Giảm 0,5% dự trữ bắt buộc, sẽ có 50.000 tỷ đồng để cho vay nền kinh tế

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh” (CIEMB 2021), do NEU tổ chức mới đây, nhóm nghiên của  NEU đã nhấn định, mặc dù lãi suất cho vay đã được giảm nhưng vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực. Lãi suất cho vay khách hàng là hộ thoát nghèo và hộ cận nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) gần tương đương lãi suất cho vay khách hàng của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Theo Nhóm nghiên cứu NEU, công cụ DTBB chưa được NHNN điều hành linh hoạt nên chưa phát huy hiệu quả trong việc tăng khả năng cung ứng tín dụng, giảm chi phí tín dụng, tăng khả năng tạo tiền để từ đó tác động làm giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế.

Cùng với đó, điều hành lãi suất của NHNN chưa có tác động giảm lãi suất cho vay của các TCTD. NHNN vẫn phải thông qua đầu mối Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để kêu gọi, thuyết phục các NHTM giảm lãi suất cho vay, giảm lãi suất đối với khách hàng.

Nhóm nghiên cứu của NEU cũng thẳng thắn khi cho rằng, NHNN duy trì quá lâu công cụ hành chính đó là Hạn mức tín dụng, thậm chí là thông báo kế hoạch “nhỏ giọt”, tạo ra cơ chế xin cho của NHNN đối với NHTM. Phản ứng trong điều hành chính sách của NHNN vẫn có lúc chưa kịp thời, nhất là tái cấp vốn cho vay lúa gạo, cho vay hãng hàng không và mới chỉ tạo điều kiện cho Vietnam Airlines (VNA), còn các hãng khác chưa được hưởng lợi tử chính sách.

Mặt khác, do tác động của đại dịch COVID-19, tỷ lệ nợ xấu kể cả nợ đã trích dự phòng rủi ro và bán cho VAMC tiềm ẩn tăng cao, đặt ra những thách thức mới trong năm 2022 khi mà các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn và dư địa vận dụng Nghị quyết 42 không còn. Các cấp chính quyền, các ngành chức năng do tập trung và hỗ trợ phuc hồi phát triển kinh tế - xã hội địa phương giai đoạn mới nên sẽ không quan tâm nhiều đến phối hợp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu NEU đề xuất, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021, tới đây sẽ là mục tiêu và kế hoạch của năm 2022, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm (12%), nếu không ít nhất cũng phải đạt trên 10%.

Đặc biệt, NHNN cần nghiên cứu để giảm 0,5% tỷ lệ DTBB trong 2 tháng cuối năm 2021 và giảm tiếp 0,5% trong quý I/2022. Theo đó, sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Bởi vì, chỉ cần giảm 0,5% tỷ lệ này, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng để cho vay đối với nền kinh tế, chưa tính đến chi phí tín dụng của các TCTD sẽ giảm xuống, đồng thời tăng khả năng tạo tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán cho nền kinh tế.

Nhóm nghiên cứu cùng cho rằng, NHNN cần nghiên cứu để bỏ hạn mức tín dụng đối với các NHTM đáp ứng được các tiêu chí của Basel II và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhằm giải phóng năng lực và tăng tính chủ động trong việc cấp tín dụng lành mạnh của các TCTD đó. Tránh tình trạng nặng nề về thủ tục và can thiệp hành chính cũng như tình trạng xin, cho để được mở zoom tín dụng.

Có còn dư địa?

Liên quan đến đề xuất giảm tỷ lệ DTBB của các TCTD , trao đổi với báo chí, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, đề xuất này này có phần đúng, nhưng chưa đủ và cũng cần rà soát kỹ hơn.

Theo nhóm chuyên gia BIDV, tại Việt Nam, tỷ lệ DTBB đối với VND hiện đang ở mức 3% cho tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng, 1% cho tiền gửi trên 12 tháng (theo Thông tư 30/2019/TT-NHNN ngày 27/12/2019). Khi gửi khoản này, các TCTD được hưởng lãi suất là 0,5%/năm (theo Quyết định 1349/QĐ-NHNN ngày 6/8/2020). “Như vậy, tỷ lệ DTBB của Việt Nam (bình quân khoảng 2% tổng tiền gửi), đang là mức khá thấp so với khu vực”- TS Cấn Văn Lực nhận định.

Vừa qua, trong bối cảnh dịch bệnh, một số quốc gia có tỷ lệ này cao (như Trung Quốc, Philippines…) đã giảm tỷ lệ này nhằm giải phóng 1 phần vốn vay cho nền kinh tế. Thí dụ, như tại Philippines vào tháng 4/2020 đã giảm 2 điểm %, ước tính sẽ tăng khoảng 180 tỷ PHP lượng vốn vay cho thị trường; Trung Quốc cũng đã giảm 0,5 điểm % vào tháng 7/2021, giúp giải phóng 1 nghìn tỷ NDT (154 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế …v.v. Các nước khác trong khu vực như Đài Loan, Ấn Độ, Indonesia hay Malaysia là những nước có tỷ lệ này ở mức cao hơn hay tương đương Việt Nam chưa có động thái tương tự.

Phân tích bản chất của DTBB, TS Cấn Văn Lực cho rằng đây là một trong những công cụ điều hành của NHTW. Việc giảm tỷ lệ DTBB có nghĩa là TCTD được giảm duy trì một lượng tiền gửi tại NHTW, qua đó, có thể dùng số tiền đó để cho vay nền kinh tế. Như vậy, ngoài tác dụng tăng thanh khoản thông qua tăng lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế, việc giảm tỷ lệ DTBB giúp TCTD giảm chi phí vốn (do TCTD phải trả lãi suất tiền gửi đó cho DN và người dân trong khi chỉ được hưởng lãi suất thấp từ NHTW – tại Việt Nam là 0,5%/năm theo Quyết định 1349/QD-NHNN), khi được giải phóng số tiền gửi đó, các TCTD có thể cho vay nhiều hơn với lãi suất thấp hơn.

“Tuy nhiên, việc giảm này cũng khiến lượng cung tiền tăng, có tác động nhất định đến lạm phát. Vì vậy, NHNN khi điều hành công cụ này sẽ cần tính toán nhiều khía cạnh, vừa đảm bảo có thể hỗ trợ giảm chi phí vốn của TCTD, qua đó giảm lãi suất cho vay, nhưng cũng cần đảm bảo an toàn đối với các TCTD và kiểm soát lượng cung tiền, lạm phát cũng như chất lượng tín dụng”- TS Lực lưu ý.

Mặt khác, trên thực tế, theo nhóm chuyên gia BIDV, hiệu quả giải phóng vốn cho nền kinh tế của biện pháp này có thể sẽ không đạt như kỳ vọng.

Thứ nhất, ngoài tỷ lệ DTBB, các TCTD tại Việt Nam còn cần tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của NHNN. Theo đó, các TCTD cần duy trì tỷ lệ dự trữ thanh khoản và tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày ở mức 10% (trong đó, tiền gửi bắt buộc tại NHNN là một trong số các tài sản có thanh khoản cao thường được đưa vào để tính toán 2 tỷ lệ nêu trên). Khi lượng tiền này giảm xuống (do tỷ lệ DTBB giảm), TCTD sẽ phải bổ sung loại hình tài sản có thanh khoản cao khác để thay thế, đảm bảo tỷ lệ an toàn theo quy định. Vì vậy, việc giảm tỷ lệ DTBB này thường có tác dụng nhiều hơn đối với các TCTD có nhiều tài sản thanh khoản cao (tuy nhiên, đa số các TCTD thường duy trì ở mức độ phù hợp, để đảm bảo vừa an toàn, vừa tận dụng vốn nhàn rồi để cho vay sinh lời).

Vì thế, không phải tất cả số tiền được giảm từ DTBB có thể đem ra cho vay nền kinh tế…”- TS Cấn Văn Lực khẳng định.

Thứ hai, hiện nay, tỷ lệ DTBB đang ở mức rất thấp (1%) đối với tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng, nên khó có thể giảm thêm. Khả năng giảm chỉ có thể đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng). Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, nếu giảm 0,5% tỷ lệ DTBB đối với loại tiền gửi này (chiếm khoảng 50-55% tổng tiền gửi tại các TCTD), thì sẽ giải phóng khoảng 27.000 tỷ đồng.

“Chúng tôi ủng hộ phương án NHNN xem xét việc giảm tỷ lệ này, nhưng có lẽ cũng chỉ có thể ở mức thận trọng, khoảng 0,5%, trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn còn yếu, lạm phát và nợ xấu đang gia tăng. Đồng thời, NHNN cũng có thể linh hoạt sử dụng các công cụ khác như nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn, linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD hoạt động an toàn, chất lượng tín dụng tốt (nợ xấu nội bảng xoay quanh 2%) và đã đạt chuẩn Basel II theo Thông tư 41…)…”- TS Cấn Văn lực đề xuất.

Đề xuất mở chương trình cho vay đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Cùng với đề xuất giảm tỷ lệ DTBB, Nhóm nghiên cứu NEU cho rằng, NHNN cần chỉ đạo và giám sát các TCTD tiếp tục giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất - kinh doanh; các TCTD thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế; các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN, Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Đặc biệt, NHNN chỉ đạo giảm lãi suất cho vay hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo của NHCSXH; đồng thời mở ra chương trình cho vay vốn tạo việc làm đối với người lao động bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thông qua NHCSXH. NHNN mở rộng kênh tái cấp vốn để NHTM cho vay các Hãng hàng không khác, để NHCSXH cho vay vốn người lao động mất việc làm.

TIN LIÊN QUAN