Hồ sơ thanh quyết toán nhiều hơn hồ sơ khoa học
Cuối phiên chất vấn chiều qua, 7.11, ĐBQH Trần Kim Yến (TP. Hồ Chí Minh) nêu vấn đề: Theo phản ánh của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, các thủ tục hành chính để triển khai thực hiện cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, kể cả việc thanh toán, quyết toán còn quá nhiều rườm rà, nhiều thủ tục và mất rất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan, địa phương, đơn vị. Và đề nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề trên?
Trả lời chất vấn này trong phiên sáng nay, 8.11, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, việc chi tiêu, thanh quyết toán các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phải tuân thủ Luật Kế toán, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu.
Thời gian qua, dù đã có Thông tư liên tịch 07 quy định về việc khoán chi trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, qua đó đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước, nhưng trách nhiệm kiểm soát chi lại giao cho các đơn vị quản lý kinh phí thuộc các Bộ, các ngành và đơn vị chủ trì. Và, các nhà khoa học vẫn phải hoàn thiện các chứng từ thực thanh toán, thực chi hợp pháp cho các nội dung thanh toán; phải thực hiện các thủ tục liên quan đến đấu thầu, mua sắm và phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này dẫn đến có lúc, hồ sơ thanh quyết toán lại nhiều hơn hồ sơ khoa học của nhiệm vụ khoa học.
Bộ trưởng cũng cho biết, về bản chất, trong khi hiệu quả hoạt động nghiên cứu có độ trễ, chưa được chứng minh ngay, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn có nhiều yếu tố vô hình, khó lượng hóa, đánh giá rõ ràng thông qua các chỉ tiêu kỹ thuật.
Tuy nhiên, quan điểm của cơ quan nhà nước khi xem xét hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước vẫn gắn với kiểm soát tính đầy đủ của chứng từ chi tiêu. Thực tế, dù Kho bạc Nhà nước không thực hiện kiểm soát chi, nhưng khối lượng các chứng từ chi tiêu, đấu thầu, mua sắm mà tổ chức chủ trì phải lưu giữ để phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra gần như không thay đổi so với khi sử dụng phương pháp khoán chi từng phần.
Chỉ rõ những vướng mắc, bất cập nêu trên, Bộ trưởng cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ cần được áp dụng các cơ chế đặc thù hơn so với các nhiệm vụ chi khác từ ngân sách nhà nước. "Nếu không làm được điều này sẽ khó có được cơ chế tài chính thực sự đơn giản hóa để “cởi trói” cho các nhà khoa học trong việc thanh, quyết toán các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được giao".
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, Bộ Khoa học Công nghệ đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 27/2015 quy định về khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 95, đề xuất các quan điểm nhằm giải quyết căn cốt các vấn đề nêu trên trong sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ hiện hành và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới. Bộ cũng đang rà soát đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ quốc gia, bảo đảm sự công khai, minh bạch.
Đã nắm được vướng mắc, khó khăn của địa phương
Chưa đồng thuận với phần trả lời của Bộ trưởng, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) nêu vấn đề: Việc thực hiện Thông tư số 03/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính (về quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ) đang gặp khó khăn, vướng mắc do Thông tư quy định thẩm quyền địa phương, nhưng không rõ là UBND hay HĐND? Cho biết một số địa phương đã xin ý kiến Bộ, nhưng việc trả lời còn chung chung. Nêu rõ điều này, đại biểu đề nghị, Bộ trưởng chỉ đạo tháo gỡ kịp thời vướng mắc này cho các địa phương?
Liên quan đến việc thực hiện Thông tư 03, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, qua làm việc với địa phương, Bộ đã nắm được khó khăn, vướng mắc này. Từ thực tiễn và quy định của Luật Khoa học và công nghệ, Bộ đã dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở sử dụng ngân sách nhà nước tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tuy nhiên, "trong quá trình xin ý kiến các bộ, ngành, việc xác định cấp có thẩm quyền hướng dẫn nội dung này thuộc trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ hay của địa phương cũng chưa rõ, bởi các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp địa phương là do kinh phí của địa phương tài trợ". Do đó, trong năm 2022, "Bộ cũng đã có Công văn gửi các Sở Khoa học và Công nghệ để tham mưu cho lãnh đạo địa phương xem xét, quyết định về vấn đề này", Bộ trưởng cho biết.
"Bộ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính về Thông tư 03 để xác định rõ cấp có thẩm quyền trong việc lập dự toán, quản lý sử dụng, quyết toán kinh phí đối với các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp địa phương”, Bộ trưởng cam kết, đồng thời khẳng định, "nếu điều này được thực hiện, sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ ở địa phương đạt kết quả tốt hơn”.
Giơ biển tranh luận với Bộ trưởng, ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) cho biết, báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra nguồn cung công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học công lập ở nước ta khá phong phú, đa dạng, nhưng lượng hàng hóa khoa học và công nghệ còn khiêm tốn, mới hấp dẫn 16% số doanh nghiệp quan tâm, do phần lớn kết quả nghiên cứu chưa thực sự trở thành hàng hóa khoa học và công nghệ để lưu thông trên thị trường.
Dẫu biết nguồn lực đầu tư cho khoa học còn khiêm tốn, nghiên cứu khoa học có tính mạo hiểm, có khả năng rủi ro, không thể “sáng đầu tư, chiều có kết quả”, nhưng đại biểu Lê Minh Nam cũng nêu rõ, "nếu không đánh giá kỹ và có giải pháp thích hợp thì rất khó gắn kết nghiên cứu khoa học và ứng dụng hiệu quả".
Đại biểu Lê Minh Nam cũng đưa ra 5 giải pháp đề nghị Bộ cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới.
Một là, đánh giá bối cảnh, xu hướng, nhu cầu phát triển khoa học công nghệ và năng lực thực tế để định rõ nội dung, đối tượng, qua đó hoạch định chính sách thích hợp để cân đối phát triển từng loại hình khoa học nghiên cứu như nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, nghiên cứu thăm dò.
Hai là, lấy quy trình đánh giá hiệu quả theo các yếu tố đầu vào, đầu ra, mức độ hiệu quả, tác động, ảnh hưởng để quyết định cho các nhóm nội dung, đối tượng nêu trên.
Ba là, bố trí nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có tính đến yếu tố công - tư, đối tác công tư, trong đó đầu tư công chủ yếu cho nghiên cứu cơ bản, những lĩnh vực khu vực tư không muốn làm, không thể làm; khu vực tư cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho nghiên cứu ứng dụng để thực hiện hiệu quả ngay.
Bốn là, có chính sách đãi ngộ phù hợp cho nhà khoa chân chính, tạo điều kiện môi trường nghiên cứu, cũng như bảo đảm thu nhập hợp lý cho nuồn nhân lực đặc biệt này.
Năm là, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, kiên quyết loại bỏ những đề xuất nghiên cứu không đáp ứng về hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội.
Khẳng định 5 giải pháp đại biểu đưa ra cũng là "trăn trở" của Bộ trưởng, tuy nhiên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25 về phát triển thị trường khoa học công nghệ đồng bộ, hiện đại, hội nhập.
“Đây là một cơ sở quan trọng để tới đây Bộ sẽ ban hành Đề án phát triển thị trường khoa học công nghệ, trước hết ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương có yêu cầu, qua đó tạo điều kiện để có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa trường, viện và thị trường”, Bộ trưởng cho biết.
Lê Bình