Bình Phước điêu đứng vì tiêu

(NTD) - Giá tiêu liên tục lao dốc từ gần 200.000 đồng/kg năm 2016, đến nay chỉ còn khoảng 30.000-40.000 đồng/kg cùng với tình trạng mất mùa, khan hiếm nhân công thu hoạch khiến người trồng tiêu Bình Phước đang trong cảnh điêu đứng.

Người trồng tiêu đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá tiêu liên tục lao dốc, khan hiếm nhân công...

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Việt Nam hiện có khoảng 100.000ha hồ tiêu cho thu hoạch với năng suất trung bình khoảng 2,47 tấn/ha, tương đương sản lượng khoảng 247.000 tấn. Tuy nhiên, trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức thấp thì chi phí sản xuất hồ tiêu lại tăng vọt, khoảng 10% so với năm 2017.

Người dân tại xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh cho biết, khoảng 2 năm gần đây, nhiều gia đình lỗ liên tục. Theo bà Nguyễn Thị Mừng ở ấp Sóc Rung, xã Lộc Phú, vụ tiêu năm rồi gia đình bà thu được 6 tấn nhưng năm nay thì khoảng 1 tấn. Trong khi nhiều chi phí phải trả như: Điện, phân bón, nhân công hái. Với sản lượng và giá cả như vậy chỉ đủ để bà Mừng trả tiền điện với công hái.

Khi giá tiêu liên tục lao dốc, trồng tiêu không có lãi khiến nhiều hộ dân không mấy mặn mà đầu tư chăm sóc cho vụ mùa sau dẫn đến tình trạng cây tiêu kiệt sức nên mất mùa. Bên cạnh đó, thời tiết tại Bình Phước diễn biến thất thường cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến sinh trưởng và năng suất của cây tiêu…

Chưa hết lao đao, người trồng tiêu tại Bình Phước lại “đứng ngồi không yên” khi không tìm được người hái tiêu dù đã làm mọi cách để thu hút nhân công như: Tăng giá thuê hay thuê hái khoán ăn theo sản lượng…

Theo các hộ trồng tiêu, vụ tiêu ở Bình Phước đang vào chính vụ, với giá tiêu dao động 37.000-40.000 đồng/kg như hiện nay thì trung bình 100kg tiêu chuỗi tươi sau khi xay, phơi khô còn khoảng được 10kg tiêu khô thì nhà nông thu được khoảng 400.000 đồng, trừ chi phí thu hái chỉ còn 100.000 đồng, không đủ chi trả công xay, phơi khô, tưới tiêu, chăm sóc, phân bón…

Ông Trần Văn Tuân, ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp xót của nói: “Nếu chia đều ra nhân công hái lấy mất hai phần, chủ nhà chỉ được một phần mà thôi. Tính hết chi phí đầu tư chăm sóc suốt một năm thì người nông dân không còn đồng nào, trắng tay. Rải lưới là để tránh thất thoát, vì tiêu không phải chín đồng loạt một lần mà chín từ từ. Bắt buộc phải rải lưới để giảm bớt thất thoát tiêu rơi xuống đất, chứ không chi phí thuê nhân công lượm lặt lại càng tốn thêm”.

Không chấp nhận giá tiêu xuống thấp, nhiều nhà vườn “găm hàng” chờ giá lên để bán. Nhưng họ không ngờ giá tiêu ngày càng xuống chứ không thấy lên, cá biệt có hộ đang ôm đến 20 tấn tiêu sau nhiều năm… Vì những khó khăn trên mà diện tích trồng tiêu của Bình Phước hiện đã giảm 132ha so với cùng kỳ năm 2018.

Trước tình trạng trên, chính quyền và hội nông dân các địa phương cũng đã vận động tuyên truyền người dân không mở rộng thêm diện tích, trồng xen canh trên diện tích cây tiêu. Đồng thời kiến nghị khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ trồng tiêu đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá tiêu giảm đã ảnh hưởng đến ngành hồ tiêu Việt Nam, thời gian tới, xuất khẩu hồ tiêu sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn do giá ở mức thấp khi cung lớn hơn cầu và sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới.

Hiện nhu cầu hồ tiêu trên thế giới khoảng 510.000 tấn/năm, bình quân mỗi năm chỉ tăng 2-3%, trong khi sản lượng hồ tiêu thế giới tăng 8-10%. Năm 2018, sản lượng hồ tiêu toàn cầu đạt 557.000 tấn, năm 2019 đạt khoảng 602.000 tấn. Dự báo đến 2050, sản lượng hạt tiêu thế giới sẽ tăng lên 1 triệu tấn và nhu cầu tiêu dùng hạt tiêu thế giới cũng tăng lên, nhưng chưa cân đối với nguồn cung. Do đó, giá tiêu có thể còn mất ổn định trong một thời gian nữa.

Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục đối diện nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, để nâng cao giá bán hồ tiêu, ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và có thể thâm nhập các thị trường khó tính trên thế giới.

Lê Lợi

Nên đọc