Tác dụng phụ của thuốc: Nếu bị căng thẳng hoặc đau nửa đầu, ta có thể thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, như ibuprofen hoặc naproxen, sử dụng những loại thuốc này nhiều lần mỗi tuần có thể gây ra cơn đau đầu tái phát. Nếu những loại thuốc này là nguyên nhân khiến ta đau đầu, hãy nói chuyện với bác sĩ về phương pháp điều trị khác thay thế.
Đau nửa đầu: Đau đầu thường xuyên cũng có thể là do chứng đau nửa đầu. Các nghiên cứu cho thấy mọi người đều bị đau nửa đầu vào sáng sớm hoặc ban đêm. Chứng đau nửa đầu có thể được kích hoạt do nhiều nguyên nhân.
Mất ngủ: Tiến sĩ Raj Dasgupta, Phó giáo sư về y học lâm sàng tại Keck School of Medicine ở Los Angeles (Mỹ), cho biết: "Rối loạn giấc ngủ khiến bạn có nguy cơ bị đau đầu vào buổi sáng cao gấp 2-8 lần". Cách điều trị chứng mất ngủ là duy trì thói quen ngủ - thức phù hợp, ngủ trong phòng tối, mát mẻ và hạn chế thời gian sử dụng màn hình điện thoại, máy tính trước khi ngủ.
Đêm ngủ nghiến răng cũng khiến ta ngủ dậy nhức đầu (Ảnh: Reuters)
Uống quá nhiều rượu vào đêm hôm trước: Nhức đầu là triệu chứng điển hình của cảm giác nôn nao do cơ thể chuyển hóa rượu thành acetaldehyde. Ngoài ra, tình trạng mất nước do uống rượu cũng là nguyên nhân gây ra chứng đau đầu nôn nao vào buổi sáng. Cồn được coi là chất gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ của bạn vào nửa sau của đêm.
Ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ: Chứng ngưng thở khi ngủ khiến ta thức giấc nhiều lần trong suốt 1 đêm, kéo dài nhiều tháng, khó quay trở lại giai đoạn ngủ sâu. Đau đầu vào buổi sáng là triệu chứng điển hình của chứng ngưng thở khi ngủ. Nếu ngủ ngáy vào ban đêm, bạn nên đến gặp bác sĩ để loại trừ chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), vì nó có liên quan đến bệnh tim và đột quỵ.
Ngủ sai tư thế: Nằm ngửa khi ngủ, sai tư thế, sử dụng gối không đúng sẽ tăng nguy cơ ngủ ngáy. Gối giúp ta duy trì tư thế ngủ, hỗ trợ cổ và cột sống ở đúng vị trí. Gối quá mềm có thể không giữ cổ và cột sống đúng cách, trong khi đó, gối cứng có thể khiến cổ hơi cao hơn vị trí bình thường.
Nghiến răng: Đau đầu vào buổi sáng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy ta nghiến răng vào ban đêm. Nghiến răng gây áp lực trong khớp thái dương hàm, khớp nối hàm dưới với hộp sọ phía trước tai. Điều này dẫn đến căng thẳng lặp đi lặp lại, gây đau đầu và đau hàm vào buổi sáng. Uống rượu, tiêu thụ caffeine và hút thuốc cũng có thể góp phần gây ra chứng nghiến răng.
Trầm cảm hoặc lo âu: Trầm cảm là yếu tố nguy cơ gây mất ngủ. Khi cảm thấy lo lắng, ta sẽ khó khăn để loại bỏ những điều cần suy nghĩ trong đầu khiến khó ngủ. Trầm cảm và lo lắng đều ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây đau đầu vào sáng hôm sau.