Bên trong đường hầm tàu điện đầu tiên của Việt Nam được đào bởi “siêu robot” nặng 300 tấn, nối dài đâm xuyên lòng đất nhà ga đến nhà hát đô thị sầm uất bậc nhất

Đây là đường hầm được thi công bằng công nghệ đào robot TBM.

Cách đây 6 năm, ngày 21/10/2017, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, đoạn xây hầm ngầm từ ga Nhà hát TP - ga Ba Son (P. Bến Nghé, Q.1), do nhà thầu liên danh Shimizu - Maeda thi công bằng đào ngầm TBM (robot TBM) đã hoàn thành toàn bộ 781m, ở độ sâu 17m.

Đây là đường hầm nằm trong tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km (gồm 2,6 km ngầm và 17,1 km trên cao). Cả tuyến có 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao), với tổng mức đầu tư 47.325 tỷ đồng. 

Ga Ba Son nằm ở khu vực Q.1, mặt tiền đường Tôn Đức Thắng

Đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã được lắp ray, đoạn cầu Rạch Chiếc - cầu vượt Xa Lộ Hà Nội ngày 23/10/2017. Đến ngày 31/10 cùng năm, máy khoan TBM đã được di chuyển trở lại ga Ba Son lắp ráp (thời gian 3 tháng) để tiếp tục thi công đường hầm thứ 2 đến ga Nhà hát TP, ở độ sâu 27m, khi hoàn thành, mỗi hầm sẽ thành đường di chuyển một chiều của tàu điện ngầm ra vào trung tâm thành phố.

Hai hầm ngầm được nối dài đâm xuyên lòng đất từ ga Ba Son đến ga Nhà hát Thành phố

Trong khi đó, đoạn từ ga Bến Thành - ga Nhà hát TP, do nhà thầu liên danh Sumitomo Misui - Cienco4 phụ trách đã hoàn thành xong 114 tấm panel tường vây ga Bến Thành; 254 tấm panel tường vây hầm đào hở trên đường Lê Lợi.

Việc thi công hầm ngầm metro đô thị đi trong lòng đất khu vực trung tâm TP đều do robot TBM khoan, tiến độ khoảng 10m/ngày. Robot TBM được sản xuất tại Nhật Bản và đưa về Việt Nam lắp ráp trong 3 tháng, gồm đầu máy và dàn xe điều khiển phía sau, dài 70m và nặng khoảng 300 tấn.

Hai đường hầm metro này là công trình đầu tiên tại TP.HCM sử dụng công nghệ đào ngầm bằng robot TBM của Nhật Bản

Khi đào, tùy điều kiện địa chất robot sẽ được gắn mũi khoan thích hợp. Các loại đất đá trong quá trình khoan sẽ được xoay nhuyễn và đưa ra ngoài bằng hệ thống băng chuyền xoắn. Cứ 1,2m hầm được khoan, công nhân sẽ cho lắp 6 tấm bê tông làm vách hầm đường kính 6,8m. Việc sử dụng máy khoan TBM rất tiện lợi vì hoàn toàn vận hành bằng máy móc, hạn chế độ rung, giảm tiến ồn và không ảnh hưởng đến giao thông trên mặt đường.

Những thanh bê tông được lắp ghép ở trong hầm

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), việc thi công đường hầm từ ga Ba Son - ga Nhà hát TP và từ ga Bến Thành - ga Nhà hát thành phố được công nhân thi công liên tục 24/24, chia làm 3 ca/ ngày. Mỗi ca từ 15 - 20 công nhân thi công, thời gian 8 giờ/ ngày.

Nhà ga Nhà hát thành phố được thiết kế 4 tầng. Tầng 1: Trang thiết bị phục vụ hành khách, phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Tầng 2: Sân ga, nơi tàu dừng, đỗ để đón trả khách. Tầng 3: Trang thiết bị cho nhân viên ga, trung tâm kiểm soát thảm họa, khu vực nghỉ ngơi và các phòng thiết bị điện, máy điều hòa không khí và hệ thống thông gió, phòng cơ điện... Tầng 4: Sân ga, nơi tàu dừng, đỗ để đón trả khách.

Tháng 9/2019, hai đường hầm metro xuyên lòng đất này đã thành hình sau thời gian dài thi công.

Dãy hành lang ở hầm B1 ga Nhà hát thành phố

Tháng 7/2022, ga ngầm Bến Thành của tuyến Metro số 1 (Bến Thành) dài 235 m, rộng 45 m, sâu 32 m, quy mô 4 tầng là nhà ga trung tâm của hệ thống metro TPHCM đã hoàn thiện các công đoạn cuối sau nhiều năm xây dựng.

Bên trong ga ngầm Bến Thành

Đến cuối năm 2022, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, ga Nhà hát thành phố cũng đã hoàn thành 100% phần kết cấu và kiến trúc. Ga Nhà hát thành phố được thiết kế ngầm dài 190m, rộng 26m, độ sâu khoảng 33m, gồm 4 tầng, có 5 lối lên xuống, lối số 5 tại Công Viên Lam Sơn trước Nhà hát thành phố, lối số 4 đối diện thì được nối trực tiếp vào tầng Hầm của UnionSquare Tower, 3 lối còn lại nằm bên kia giáp mặt đường Pasteur.

Ga Nhà hát thành phố

Ga Nhà hát thành phố cùng với Ga Ba Son và Nhà Ga Trung tâm Bến Thành là một trong 3 ga ngầm của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Sáng ngày 29/8/2023, đoàn tàu đầu tiên của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã chạy thử nghiệm trên toàn tuyến, bao gồm cả đoạn trên cao và đoạn đi ngầm, từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga trung tâm Bến Thành.

Đoạn qua không gian ngầm Nhà hát thành phố

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, việc tiến hành thử nghiệm toàn tuyến từ ga Suối Tiên đến ga Bến Thành là một cột mốc quan trọng đối với dự án. Đây là sự kiện đánh dấu thêm một cột mốc mới trong quá trình triển khai dự án, tròn 1 năm kể từ ngày Ban Quản lý Đường sắt đô thị chạy thử đoàn tàu Metro đầu tiên trong phạm vi depot Long Bình.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM, Tư vấn và các nhà thầu đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai dự án, vừa tiến hành các bước thử nghiệm, vừa thi công lắp đặt thiết bị hệ thống còn lại như hệ thống cung cấp điện; hệ thống viễn thông; hệ thống tín hiệu, hệ thống tiếp điện trên cao, hệ thống thông gió đường hầm,…cho toàn tuyến đường sắt đô thị.

Chuyến tàu đầu tiên chở khách VIP từ Metro Bến Thành ra Suối Tiên

Trong 4 tháng cuối năm 2023, Ban Quản lý Đường sắt đô thị sẽ cùng tư vấn NJPT và các nhà thầu Nhật Bản tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành cơ bản công tác thi công để sau đó chuyển sang giai đoạn chạy thử và khai thác thử làm cơ sở cho việc đánh giá An toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, Ban cũng sẽ phối hợp với Công ty TNHH đường sắt đô thị số 1 và các nhà thầu, tư vấn để tiến hành đào tạo về công tác vận hành và công tác bảo trì.

TIN LIÊN QUAN