Bệ phóng cho phát triển năng lượng gió tại Việt Nam

(CL&CS) - Mới đây Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam - Vietnam Wind Power 2021 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (ICC), Hà Nội. Sự kiện được tổ chức dưới hình thức “hybrid” (trực tiếp kết hợp trực tuyến) và thu hút hơn 600 khách tham dự trong nước và quốc tế. Đây được cho là cơ hội để phát triển ngành năng lượng gió ở Việt Nam.

Nhiều cơ hội cho phát triển năng lượng gió tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Phát biểu khai mạc, Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), cho biết: “Năm 2021 là một năm mang tính bước ngoặt đối với ngành năng lượng gió Việt Nam. Tổng công suất lắp đặt của điện gió trên bờ đã chạm mốc phát triển mới với gần 4GW vào cuối tháng 10. Con số này cho thấy Chính phủ Việt Nam ngày càng quan tâm và có những chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng gió và năng lượng tái tạo. Quan trọng hơn hết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những cam kết Net Zero mạnh mẽ tại COP26 ở Glasgow. Đây là những tín hiệu tuyệt vời cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, những người đang tìm kiếm thời điểm thích hợp để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió tại Việt Nam.

Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận xét: “Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động trong khu vực ASEAN, song chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Do đó, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam không chỉ nằm ở mặt chính sách, mà còn là hệ thống công nghệ áp dụng trong toàn bộ quá trình từ sản xuất, lắp đặt, giám sát, truyền tải, phân phối đến tối ưu hóa hệ thống năng lượng. Sự kiện Vietnam Wind Power 2021 được tổ chức kịp thời, đúng thời điểm và rất phù hợp với mục tiêu phát triển năng lượng bền vững của Việt Nam.”

Ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nhìn nhận: “Việc đảm bảo đủ năng lượng sạch cho tăng trưởng kinh tế là điều không thể chối cãi. Đồng thời, việc nhanh chóng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng rất cấp thiết. Chuyển đổi cơ cấu năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang một hệ thống có sự kết hợp đa dạng hơn với tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng tăng sẽ là giải pháp bền vững cho những thách thức này.”

“Vietnam Wind Power 2021 được tổ chức kịp thời và đúng thời điểm giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của năng lượng gió trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26. Hội nghị cũng hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế,” Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, Bà Grete Lochen khẳng định.

Hiện Việt Nam đang từng bước đẩy mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng và đã và đang cho thế giới thấy những thành tựu ấn tượng của mình. Tuy nhiên, tiềm năng khai thác và phát triển năng lượng gió tại Việt Nam còn rất lớn, vẫn còn rất nhiều cơ hội để nguồn tài nguyên này phát huy hết công suất nhằm đảm bảo nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam. Nhiều quốc gia và đối tác trên thế giới luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong sứ mệnh hướng tới năng lượng bền vững, 

Ông Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam cho biết rất phấn khởi khi Việt Nam ký cam kết Tuyên bố Chuyển đổi từ Than sang Điện sạch Toàn cầu, từng bước loại bỏ điện than. Với việc huy động nhiều hơn nữa nguồn tài chính công và tư nhân tại COP26 để hỗ trợ hành động vì khí hậu ở các nước đang phát triển, thế giới có hy vọng rất lớn trong việc hiện thực hóa mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C”.

TIN LIÊN QUAN