Huyết áp chính là áp lực dòng máu tác động lên thành mạch máu trong quá trình lưu thông đến các cơ quan trong cơ thể. Sức cản của động mạch và lực co bóp của tim là hai yếu tố chính tạo nên huyết áp.
Chỉ số huyết áp ở người bình thường sẽ cao hơn vào ban ngày và thấp hơn vào ban đêm. Thời điểm từ 1 - 3 giờ sáng khi cơ thể đang ngủ say là lúc huyết áp ở mức thấp nhất, còn từ 8 - 10 giờ sáng là thời điểm huyết áp đạt ở mức cao nhất.
Huyết áp thường sẽ tăng cao khi chúng ta vận động, căng thẳng thần kinh, co mạch (do bị lạnh hoặc dùng thuốc co mạch), ăn quá mặn hay trải qua trạng thái xúc động mạnh. Ngược lại những khi bạn thư giãn, nghỉ ngơi, dùng thuốc giãn mạch, ra nhiều mồ hôi, ở môi trường nóng, bị tiêu chảy,... thì huyết áp sẽ giảm xuống.
Chỉ số huyết áp được biểu thị qua 2 chỉ số sau:
Huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa): mức bình thường từ 90 - 139 mm Hg;
Huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu): mức bình thường là từ 60 - 89 mm Hg.
Nếu chỉ số huyết áp cao hơn mức tiêu chuẩn nêu trên thì được coi là huyết áp cao, ngược lại thì là huyết áp thấp. Khi tim đập, huyết áp sẽ chuyển từ cực đại đến cực tiểu (thay đổi từ áp lực tâm thu đến áp lực tâm trương). Khi máu di chuyển xa dần từ tim đến động mạch thì huyết áp sẽ giảm dần.
Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,...
Nguy cơ huyết áp cao sẽ tăng lên khi chúng ta già đi, tăng cân, hút thuốc, tiền sử gia đình có người bị huyết áp cao và không tập thể dục thường xuyên. Ngoài ra, chế độ ăn cũng đóng vai trò quan trọng dẫn đến huyết áp cao, đặc biệt là những người hay ăn mặn và thiếu kali. Đây là lý do vì sao Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo bệnh nhân huyết áp cao nên bổ sung kali vào chế độ ăn hằng ngày.
Kali giúp cân bằng mức natri trong cơ thể và giảm áp lực bên trong thành động mạch. Nam giới được khuyến nghị nên tiêu thụ 3.400 mg kali/ngày, trong khi phụ nữ là 2.600 mg kali/ngày. Các món giàu kali là chuối, khoai lang, cá và sữa.
Một phân tích từ 9 nghiên cứu trên tổng số gần 60.000 người cho thấy tiêu thụ nhiều hơn 2 cốc sữa mỗi ngày có thể làm giảm huyết áp. Sabita S. Soedamah-Muthu - Tiến sĩ tại Đại học Wageningen ở Hà Lan, cho biết: “Những phân tích tổng hợp này chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa việc tăng số ly sữa mỗi ngày và tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp thấp hơn”.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ khuyến nghị đàn ông, phụ nữ và trẻ em từ 9 tuổi trở lên nên tiêu thụ ba cốc từ nhóm sữa hàng ngày, bao gồm cả sữa ít béo hoặc không béo. Một cốc sữa chua hoặc hai cốc phô mai tươi tương đương với một cốc sữa. Các nguồn sữa khác, bao gồm phô mai và kem, có thể không phải là một lựa chọn thay thế lành mạnh vì hàm lượng chất béo của chúng.
Cơ quan này gợi ý: "Nhiều loại pho mát, sữa nguyên chất và các sản phẩm làm từ chúng có nhiều chất béo bão hòa. Để giữ mức cholesterol trong máu ở mức khỏe mạnh, hãy hạn chế lượng thực phẩm này". Những người không dung nạp lactose có thể nhận được lợi ích tương tự bằng cách tiêu thụ các sản phẩm thay thế sữa được bổ sung các chất dinh dưỡng tương tự.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu lưu ý sữa dù có thể góp phần điều chỉnh huyết áp nhưng không thể chỉ uống sữa là có thể kiểm soát huyết áp. Để kiểm soát huyết áp hiệu quả, người bệnh cần đến bác sĩ khám và uống thuốc khi cần thiết.
Việc thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn cũng cực kỳ quan trọng. Người bệnh cần ăn uống lành mạnh, ưu tiên các món như thực vật, cá và thịt nạc, đồng thời hạn chế ăn các món nhiều muối, thịt đỏ, đồ uống có cồn. Tập thể dục thường xuyên cũng rất cần thiết và được xem là biện pháp tự nhiên giúp kiểm soát huyết áp.
Theo University of Utah Health