Giúp doanh nghiệp tăng doanh thu
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua sụt giảm mạnh, việc bán hàng qua livestream đã thổi một làn gió mới, góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Trong đó có xu hướng mua hàng kết hợp giải trí qua các cuộc phát video trực tiếp. Ngoài livestream bán hàng thuần túy, hiện đã xuất hiện cả những cuộc livestream bán hàng kéo dài 2-3 giờ với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền…
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, trung bình, người Việt đang dành 1-2 giờ mỗi ngày để lướt TikTok. TikTok có một “ngôi chợ” rất đông khách hàng vì có đến hàng chục triệu người dùng. Có những phiên livestream với lượng tương tác rất lớn, thu hút đến 25 triệu lượt thả tim. Trên nền tảng có hơn 2 triệu nhà sản xuất nội dung sẵn sàng bán hàng.
Theo ghi nhận trong giai đoạn hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt việc livestream bán hàng và mang lại những kết quả tích cực. Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm công nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods)- chuyên kinh doanh thực phẩm chay cho biết, nhờ bán hàng livestream, doanh nghiệp đã chốt được đơn hàng với số lượng ngoài mong đợi, có ngày lên tới gần 800 đơn hàng với doanh thu hơn 46 triệu đồng. Việc bán hàng qua livestream đã giúp doanh số bán hàng của công ty qua nền tảng số có lúc chiếm từ 40-50% doanh thu.
Trong lĩnh vực dệt may, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) cho biết, doanh nghiệp đã mở kênh bán hàng trên TikTok trong năm vừa qua và doanh số bán hàng đã tăng 2 - 3 lần so với những ngày đầu. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp có thêm chỗ đứng ở thị trường nội địa trước bối cảnh xuất khẩu khó khăn.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO, cho hay nền tảng mạng đã xóa bỏ các rào cản về vật lý, kỹ thuật để mỗi ngày có đến hàng triệu phiên livestream, bán hàng. Quan trọng hơn, mô hình bán hàng thông qua nền tảng công nghệ sẽ giúp cho khách hàng mua được hàng giá tốt, được hậu mãi cao hơn khi các nhà bán hàng giảm bớt các chi phí kinh doanh.
Để tận dụng lợi thế này, KIDO đã đầu tư vào kênh E2E để tạo nên một kênh tiếp thị với một trung tâm thương mại online. Với nền tảng mới này, các đơn vị đang thuê mặt bằng trong những trung tâm thương mại truyền thống có thêm kênh bán hàng online để mở rộng hơn thị trường thay vì chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng.
Nhiều thách thức cần vượt qua
Tuy tăng trưởng nhanh và liên tục nhưng việc livestream bán hàng cũng tồn tại nhiều thách thức trong việc chiếm được lòng tin của người dùng. Nhất là để kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trên các chợ bán hàng online vẫn là vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng. Trước những thông tin được người bán đăng tải với những cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng thực tế người tiêu dùng cũng chỉ mua bán “bằng niềm tin”.
Bà Đào Thu Thủy, đại diện Công ty Thương mại xuất nhập khẩu nông sản Nam Bình cho biết, một số người livestream bán hàng thường quảng cáo quá lên so với thực tế, thậm chí còn rao bán với kiểu nhập nhèm câu chữ, tên gọi khiến khách hàng dễ bị hiểu lầm. Qua kênh bán hàng mới này có thể là nơi tiêu thụ một lượng lớn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Do vậy, để kinh doanh online thành công cần những chiến lược dài hơi, chuyên nghiệp từ sản phẩm chất lượng đến dịch vụ tốt để tích lũy uy tín nhà bán hàng, xây dựng được lượng khách hàng trung thành. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thông tin minh bạch bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là bảo vệ cho chính doanh nghiệp làm cơ sở để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể chiếm lĩnh được niềm tin, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bà Thủy nhấn mạnh.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Đặng Thùy Linh, Chủ tịch HĐQT Công ty APG Eco cho biết, ngoài việc cam kết chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng khi dùng thử các sản phẩm gạo không phù hợp khẩu vị có thể đổi trả trong vòng 6 ngày. Đây cũng là cách APG Eco đồng hành cùng khách hàng trong xu hướng livestream bán hàng trực tuyến như hiện nay.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng hiệu quả hơn, bà Hoàng Thị Huyền, đại diện Sàn thương mại điện tử Buudien.vn thông tin, Buudien.vn đặt mục tiêu năm 2024 cập nhật 100% sản phẩm OCOP, đưa tối thiểu 5.000 sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam lên sàn. Hiện, Bưu điện Việt Nam có 13.000 điểm dịch vụ, tương ứng 13.000 điểm bán lẻ tại 63 tỉnh, thành phố. Đây cũng chính là 13.000 điểm đang giúp các hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ hàng hóa. Ngoài truyền thông nội bộ của Bưu điện Việt Nam, tại các điểm bán lẻ sẽ tổ chức livestream đa nền tảng trên TikTok và các mạng xã hội khác.