Bảo vật Quốc gia từng gây 'chấn động địa cầu', gắn liền với quyết định lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Bảo vật này đã bắn rơi 3 máy bay và bắn bị thương 13 chiếc khác, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân ta.

Trong khuôn viên Bảo tàng Phòng không - Không quân (173C, Trường Chinh, Hà Nội) đang trưng bày một hiện vật lịch sử nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của anh hùng Tô Vĩnh Diện. Đó là khẩu pháo cao xạ 37mm, số hiệu 510681.

Khẩu pháo cao xạ 37mm, số hiệu 510681 hay còn được gọi là khẩu pháo Tô Vĩnh Diện. Ảnh: VnExpress

Pháo cao xạ 37mm do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu pháo biên chế về Khẩu đội 3, Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367. Trước đó, ngày 1/4/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân Việt Nam ký Quyết định số 06/QĐ thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367. Vừa mới ra đời, Trung đoàn đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng.

Khẩu pháo 37mm là vật chứng xác thực ghi dấu chiến công to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ - chiến dịch có ý nghĩa quyết định, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta. Ảnh: Đời sống và Pháp luật

Đêm 1/2/1954, tại dốc Chuối, Điện Biên Phủ, trong khi kéo pháo ra (thực hiện quyết định của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chuyển từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”) thì dây tời pháo bị đứt, pháo thủ bị càng pháo đánh bật ra.

Trong tình thế hiểm nghèo đó, Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện dùng hết sức đẩy mạnh càng pháo còn lại vào vách núi. Tuy nhiên, trước khi dừng lại, bánh khẩu pháo đã chèn lên người Tô Vĩnh Diện. Khi được đồng đội đưa ra khỏi bánh pháo, anh chỉ kịp hỏi “pháo có việc gì không” rồi anh dũng hy sinh...

Theo Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đến rạng sáng ngày 4/2/1954, khẩu pháo cuối cùng được kéo về vị trí tập kết an toàn. Lúc đó là mồng 2 Tết Nguyên đán, Ban chỉ huy tiểu đoàn tổ chức cho bộ đội ăn Tết muộn trong rừng để chiến dịch được toàn thắng, các chiến sĩ pháo binh đã chuẩn bị sẵn sàng.

Pháo cao xạ gồm 3 phần: thân pháo, bệ pháo và xe pháo. Ảnh: Đời sống và Pháp luật

Sau đó, khẩu pháo này tiếp tục tham gia chiến đấu và đã bắn rơi 3 máy bay, bắn bị thương 13 chiếc khác, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Việc xuất hiện pháo cao xạ tại lòng chảo Điện Biên Phủ từng là điều bắt ngờ đối với thực dân Pháp, vì lực lượng pháo cao xạ đã chặn đứng việc chi viện bằng đường hàng không cho quân Pháp tại Điện Biên Phủ.

Bên cạnh đó, hành động quên mình cứu pháo của anh hùng Tô Vĩnh Diện đã nêu gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, được cán bộ, chiến sĩ toàn quân noi gương, học tập. Ngay tại mặt trận, Tô Vĩnh Diện được truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất.

Tranh mô phỏng hành động dũng cảm lấy thân chèn pháo của anh hùng Tô Vĩnh Diện. Ảnh tư liệu

Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện đã đi vào lịch sử như một huyền thoại - quên mình cứu pháo. Ca ngợi tấm gương chói sáng đã anh dũng hy sinh, trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...”

Ngày 7/5/1956, Tô Vĩnh Diện được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và trở thành người anh hùng pháo cao xạ đầu tiên của quân đội ta ngã xuống trên mặt trận Điện Biên Phủ.

Ngày 1/10/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận khẩu pháo xạ cao 37mm, số hiệu 510681 là Bảo vật Quốc gia với ý nghĩa là “hiện vật được lưu truyền lại có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa và khoa học”.