Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương vừa ký Quyết định số 1069/QĐ-BVHTTDL giao nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện dự án bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc phục vụ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, Cục Di sản văn hóa được Bộ VHTT&DL giao xây dựng dự án bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý (xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Lăng Ông Nam Hải vạn đầm Xương Lý nằm trên triền núi Đơn ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý. Ảnh: N.Nhuận
Trước đó, ngày 10/12/2024, Bộ VHTT&DL đã có quyết định đưa lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo sử sách, trước năm 1815, Xương Lý chỉ là một làng biển thuộc hải tấn Nha Phiên, huyện Phù Ly. Đến năm Minh Mạng thứ 20 (năm 1839), triều Nguyễn lập Địa bạ Bình Định thì thôn Xương Lý và thôn Hưng Lương thuộc tổng Trung An, huyện Phù Cát, phủ Hoài Nhơn.
Ngày nay, tại vạn chài Xương Lý và Hưng Lương, ngư dân đều có lập riêng Lăng Ông Nam Hải để thờ cá voi.
Đối với Lăng Ông Nam Hải vạn đầm Xương Lý tọa lạc trên triền núi Đơn được người dân góp tiền xây dựng khang trang hơn. Đây là nơi tổ chức Lễ hội cầu ngư theo thông lệ hằng năm, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, ngư dân trúng mùa hải sản, no ấm.
Lễ hội cầu ngư Vạn đầm Xương Lý là sự kiện trọng đại hàng năm của ngư dân - một loại hình di sản văn hóa phi vật thể luôn được giữ gìn và phát huy, lan tỏa trong cộng đồng.
Lễ hội có quy mô lớn và gắn liền với nghề biển địa phương. Hằng năm, lễ hội chính thức diễn ra trong ba ngày 9 đến 11 tháng Giêng âm lịch.
Nghi lễ rước thần Nam Hải tại Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý. Ảnh: M. Lê
Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý được tổ chức gồm các nghi lễ cổ truyền: Lễ nghinh thần Nam Hải, lễ tĩnh sinh, đại lễ tế thần… Ngoài ra còn có phần hội biểu diễn bả trạo, hát bội, cùng các hoạt động khác, như: Chèo thuyền, bơi thúng, hội đánh bài chòi dân gian, trò chơi dân gian… thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham dự.