Trao đổi với báo chí, phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thông tin, năm 2023 Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 156.413 đơn các loại (tăng 11% so với năm 2022) trong đó có 84.753 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng 8,5% so với năm trước. "Công tác thực thi quyền nhằm đẩy lùi nạn hàng giả, xâm phạm quyền tăng mạnh với hơn 3.000 vụ xâm phạm quyền được xử lý", ông nói.
Năm 2023 đã có 168 dự án được các địa phương triển khai thực hiện với 153 sản phẩm đặc thù được hỗ trợ bảo hộ, quản lý quyền sở hữu công nghiệp, 253 doanh nghiệp và 283 tổ chức tập thể được hỗ trợ. Trước đó nhiều sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường Nhật Bản như Vải thiều Lục Ngạn, Thanh long Bình Thuận giúp giá bán cao hơn bình thường từ 15-25%.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội, thông tin, hiện Hà Nội thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ hướng mục tiêu tối thiểu 40% các sản phẩm gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý. Theo đó, có 198/307 sản phẩm OCOP được bảo hộ (đạt 64,5%), lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đạt 17.539 và số lượng chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp là 9.338.
"Chương trình phát triển tài sản trí tuệ có tác động tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện để các tổ chức khai thác thương mại sản phẩm, nâng cao uy tín, chất lượng, giá trị; mở rộng thị trường của sản phẩm, giúp cho người dân nâng cao thu nhập", ông nói.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung đã giúp các hoạt động hỗ trợ xác lập bảo vệ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương được đẩy mạnh.