Doanh nghiệp nhỏ hưởng lợi
Từ khi Covid-19, khẩu trang trở thành mặt hàng thiết yếu nhất bên cạnh thực phẩm. Đứng sau đó là dung dịch sát khuẩn, trong đó gel rửa tay khô bán rất chạy vì tính tiện dụng. Vì thế, thời gian đầu, bất cứ doanh nghiệp nào tham gia các lĩnh vực này đều nhận được sự quan tâm của giới đầu tư chứng khoán. Nhờ đó, giá cổ phiếu tăng không ngừng.
Tuy nhiên, gần đây, cổ phiếu ngành này phân hóa mạnh. Đơn vị nào chuyên về khẩu trang trở nên “nóng” hơn doanh nghiệp cung cấp gel sát khuẩn. Trong đó, Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco (Mã chứng khoán: DNM) được coi là “ngôi sao sáng” giữa đại dịch Covid vì có tốc độ tăng trưởng rất mạnh cả về lợi nhuận và giá cổ phiếu.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2020, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của DNM lên tới 26,2 tỷ đồng, tăng 23,2 tỷ đồng, tương đương 773% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận cải thiện thì doanh thu có bước tiến thần tốc. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 368 tỷ đồng, tăng 279,7 tỷ đồng, tương đương 3,16%.
Giữa đại dịch Covid-19, khẩu trang, gel sát khuẩn và dụng cụ y tế được coi là các sản phẩm “gà đẻ trứng vàng”. |
Nhờ lợi nhuận tăng nhanh, tổng tài sản của Danameco cải thiện mạnh. Tại thời điểm cuối quý 2, tổng tài sản của công ty lên đến 512 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng, tương đương 142% so với thời điểm đầu năm.
Hiện tại, tất cả các chỉ tiêu kinh doanh của Danameco đều rất tốt khiến cổ phiếu DNM của công ty có bước tiến không ngừng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/9, DNM dừng ở mức 52.500 đồng/CP, tăng 44.000 đồng/CP, tương ứng 518% so với cuối năm 2018. DNM giúp vốn hóa thị trường Danameco có thêm 193 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện tại, DNM đang trên đường đi xuống sau chuỗi ngày tăng quá dài. Có thời điểm DNM đạt tới mức “đỉnh” 68.000 đồng/CP.
Công ty cổ phần Bột giặt NET cũng duy trì được đà tăng trưởng mạnh như quý 1. Lợi nhuận sau thuế quý 2/2020 đạt 74,1 tỷ đồng, tăng 39,2 tỷ đồng, tương đương 112%. Kết quả tốt đẹp này đến từ việc doanh thu tăng mạnh từ 533 tỷ đồng lên 727 tỷ đồng.
Doanh nghiệp lớn “hạ nhiệt”
Trong quý 1/2020, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực cung cấp vật tư y tế đa số đều thăng hoa nhưng sang quý 2, ít đơn vị giữ được “phong độ” như Danameco. Đa số đều bất ngờ “giảm tốc”. Công ty cổ phần Bột giặt LIX là ví dụ điển hình. LIX chỉ duy trì được đà tăng nhẹ trong quý 2 cho dù LIX sở hữu sản phẩm gel rửa tay khô “nóng” nhất thị trường là ON1.
Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của LIX đạt 112 tỷ đồng, tăng 28,4 tỷ đồng, tương đương 34% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận tăng nhẹ khi doanh thu chỉ tăng nhẹ từ 1.208 tỷ đồng lên 1.635 tỷ đồng.
Lợi nhuận không bứt phá như kỳ vọng của nhà đầu tư nên cổ phiếu LIX không “nổi sóng” được nữa. Đóng cửa phiên ngày 4/9. LIX dừng ở mức 55.000 đồng/CP, chỉ tăng 12.750 đồng/CP, tương đương 30,2% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Hồi đầu mùa dịch Covid-19, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nổi như cồn vì được giao nhiệm vụ khẩn cấp may khẩu trang chống dịch. Thế nhưng, lợi nhuận của Vinatex không những không tăng mà còn sụt giảm mạnh.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Vinatex chỉ đạt 276,3 tỷ đồng, giảm 72,3 tỷ đồng, tương đương 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ giảm sâu từ 9.353 tỷ đồng xuống còn 4.819 tỷ đồng.
Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp lớn ngày càng ít được hưởng lợi hơn từ việc sản xuất khẩu trang và vật tư y tế chống dịch Covid-19.
Thứ nhất, do có quy mô nhỏ nên doanh thu về các sản phẩm này của các đơn vị vốn thấp chiếm tỷ trọng trong tổng doanh thu. Trong khi với các “đại gia”, doanh thu từ các sản phẩm này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ và không đủ bù đắp cho phần thiệt hại từ hoạt động kinh doanh chính.
Tiến Dũng