Theo bác sĩ Hà Vũ Thành - Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K (Hà Nội), nguyên nhân ung thư có 2 nhóm đã được xác định và không được xác định. Trong đó, một số nguyên nhân chúng ta không thể phòng tránh như di truyền, tuổi tác. Các nguyên nhân hoàn toàn tránh được như thuốc lá, thói quen ăn uống. Đặc biệt, chúng ta nên hạn chế ăn những loại thức ăn có thể kích hoạt tế bào ung thư, bao gồm:
Thứ nhất, các loại hạt bị nấm mốc: Các loại hạt như lạc, đỗ, gạo,... nếu bị nấm mốc có thể gây ung thư gan, vì vậy cần loại bỏ ngay khi phát hiện nấm mốc. Ngoài ra, không nên ăn khoai tây đã mọc mầm vì chúng chứa chất độc có thể gây ung thư.
Thứ hai, các món cổ truyền được muối mặn như dưa chua, cà muối, cá mắm... nếu tiêu thụ thường xuyên từ khi còn còn nhỏ thì nguy cơ ung thư càng cao.
Thứ ba, tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ là nguyên nhân dẫn đến ung thư đại tràng. Do đó, nên ăn với lượng vừa phải và tránh lạm dụng loại thực phẩm này.
Thứ tư, rượu: Mặc dù không trực tiếp gây ung thư nhưng uống nhiều rượu mạnh có thể làm bỏng thực quản, dẫn đến loạn sản tế bào và nguy cơ ung thư thực quản. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ rượu còn gây xơ gan và tiềm ẩn nguy cơ ung thư gan.
Thứ năm, các loại thức ăn nhanh như xúc xích, dăm bông, thịt nướng... cũng là yếu tố thúc đẩy ung thư đường tiêu hóa.
Thứ sáu, tiêu thụ thực phẩm quá nóng thường xuyên có thể làm thay đổi tế bào thực quản, dẫn đến nguy cơ ung thư cơ quan này.
Bác sĩ Thành khuyến cáo rằng cách phòng ngừa ung thư hiệu quả và tiết kiệm là duy trì chế độ ăn uống khoa học với nhiều rau xanh, trái cây, cùng việc tăng cường luyện tập thể dục, thể thao.