Áp giá sàn vé máy bay nội địa: Tước cơ hội “bay” giá rẻ của khách hàng

(CL&CS)- Theo chuyên gia, khác trong lĩnh vực hàng không thì việc áp giá sàn vé máy bay nội địa có thể ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của thị trường, làm khách hàng mất cơ hội đi hàng không giá rẻ.

Áp sàn vé máy bay nội địa

Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Cục đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa, mức tối thiểu vé bằng 20% mức giá tối đa quy định. Tùy từng nhóm đường bay, giá sàn được đề xuất từ 320.000 - 750.000 đồng một chiều. Đề xuất áp giá sàn trong vòng 1 năm, từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/11/2022.

Với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa 1,6 triệu đồng vé/chiều; nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa 1,7 triệu đồng.

Với những đường bay từ 500 - 850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; đường bay từ 850 đến dưới 1.000 km, mức giá tương ứng 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng. Với đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng và tối đa 3,75 triệu đồng.

Như vậy, nếu đề xuất này nếu được áp dụng, thị trường hàng không trong nước trong 1 năm tới sẽ không còn mức giá vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng/vé/chiều như thời gian qua.

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, hàng không không khai thác toàn bộ các chuyến bay quốc tế, trong khi các chuyến nội địa cũng bị cắt giảm hoặc lượng khách giảm đáng kể. Trong khi đó, các hãng hàng không vẫn phải duy trì đội máy bay với số lượng tương đương, thậm chí lớn hơn số lượng máy bay năm 2019.

Theo tính toán, dù máy bay “đắp chiếu”, nhưng các hãng hàng không vẫn phải trả 100 tỷ đồng/ngày để trả tiền thuê máy bay, trả vay ngân hàng, trả cho các đối tác cung cấp dịch vụ đầu vào, duy tu bảo dưỡng và trả lương cho nhân viên... Hiện nợ ngắn hạn phải trả của ba ông lớn ngành hàng không đã cán mốc 40.000 tỷ đồng.

Đề xuất này ngay lập tức đã gây tranh cãi trong dư luận. Chính Cục Hàng không cũng thừa nhận chính sách này còn tồn tại bất cập, hạn chế cơ bản và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cụ thể, chính sách này gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa do với cùng một mức giá tối thiểu. Người tiêu dùng sẽ có xu hướng lựa chọn hãng hàng không có điều kiện dịch vụ tối ưu hơn, làm hạn chế khả năng tiếp cận của một bộ phận người tiêu dùng khi đi máy bay, gây cản trở cho nỗ lực kích cầu của các hãng hàng không…

Trước vấn đề này, nhiều hành khách bày tỏ lo ngại rằng nếu áp giá sàn vé bay sẽ không còn giá vé 0 đồng hay vài chục nghìn đồng như các hãng hàng không thường xuyên công bố khuyến mãi như trước. Và như vậy, cơ hội được bay của nhiều hành khách, nhất là công nhân lao động đi làm việc xa quê mỗi dịp Tết đến lại trở nên xa vời vợi.

Đây không phải lần đầu tiên đề xuất áp giá sàn được nhắc đến, trước đây, Vietnam Airlines cũng đã đề xuất áp giá sàn vé máy bay và gặp phải sự phản ứng dữ dội từ các hãng bay khác bởi những thương hiệu tồn tại lâu năm trên thị trường tạo được danh tiếng chắc chắn luôn là sự ưu tiên của người dùng khi có nhu cầu dịch vụ. Và như vậy, sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh công bằng giữa các hãng máy bay. Nhất là những hãng mới ra đời.

Việc áp giá sàn vé máy bay nội địa có thể ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của thị trường, làm khách hàng mất cơ hội đi hàng không giá rẻ. (Ảnh: minh họa)

Mất đi thị trường du lịch giá rẻ

Hiện tại, ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19  lần thứ 4 tại Việt Nam đã khiến thị trường du lịch cả nội địa, quốc tế đều đã về số không. Khi được mở lại, các doanh nghiệp du lịch cần phải kích cầu mạnh bằng nhiều gói du lịch giá rẻ để thu hút hành khách. Trong khi đó, nếu áp giá sàn vé máy bay sẽ làm mất đi thị trường du lịch giá rẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, Hãng hàng không Vietravel Airlines cho rằng áp dụng chính sách giá tối thiểu sẽ khiến hành khách lựa chọn hãng có dịch vụ cao hơn, như vậy các hãng giá rẻ sẽ bị thiệt thòi, đặc biệt là với hãng hàng không mới, đội tàu bay và tần suất khai thác thấp nhất thị trường, bất lợi về độ phủ sản phẩm và giá trị thương hiệu. Việc áp dụng giá sàn cho thị trường nội địa "Hậu COVIĐ-19" sẽ làm giảm mạnh nhu cầu đi lại của người dân do thu nhập bị thâm hụt nặng nề trong thời gian giãn cách.

Phía Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet cũng cho rằng, chính sách quy định mức giá tối thiểu sẽ tác động tiêu cực mạnh đến các tầng lớp người dân trong xã hội, nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, làm mất đi lợi thế cạnh tranh và động lực phát triển của ngành hàng không.

Chính sách này cũng không đảm bảo thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận chuyển hàng không, hỗ trợ và thúc đẩy sự phục hồi của các thị trường cung cấp hàng hóa dịch vụ có liên quan trực tiếp đến vận chuyển hàng không trong và sau đại dịch COVID-19 kết thúc.

Hãng hàng không này cho rằng chính sách giá nêu trên có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế cạnh tranh trong thị trường kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa.

Về lâu dài, Vietjet đánh giá quy định giá sàn vé máy bay sẽ triệt tiêu động lực cạnh tranh giữa các hãng hàng không nội địa, triệt tiêu động lực sáng tạo, đổi mới của các hãng hàng không nội địa và kim hãm sự phát triển của thị trường vận chuyển hàng không nói chung.

Nhận xét về đề xuất áp giá sàn vé máy bay để hỗ trợ các hãng hàng không, TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, tỏ ra không đồng tình và cho rằng giá cả phải do quan hệ cung cầu và do thị trường quyết định. Đó là một công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp khi có nhiều nhà cung ứng, người hưởng lợi là khách hàng.

Theo TS Bùi Doãn Nề, trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID-19, tổn thất của ngành hàng không thế giới lên tới con số hàng trăm tỷ USD, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các doanh nghiệp hàng không Việt Nam với những giải pháp hỗ trợ của nhà nước đang từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua khủng hoảng dịch bệnh, ổn định và trụ vững trước cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Cũng theo TS Bùi Doãn Nề: "Những năm qua, nhà nước đã có những chính sách tương đối tốt để hỗ trợ các hãng tư nhân, góp phần tạo nên một thị trường phát triển, cạnh tranh sôi động, cũng như giúp nhiều người dân được đi máy bay hơn. Nhà nước nên tiếp tục giám sát, giữ quan điểm khách quan trong việc này".

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia khác trong lĩnh vực hàng không cũng nhấn mạnh việc áp giá sàn có thể ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của thị trường, làm khách hàng mất cơ hội đi hàng không giá rẻ.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 7116/VPCP-CN ngày 2-10-2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về phản ánh của báo chí liên quan đến thu phí trên cao tốc và giá sàn vé máy bay

Trong đó, về đề xuất giá sàn vé máy bay, báo chí đã phản ánh về hệ lụy của việc áp giá sàn, về quyền lợi của người tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng nếu đề xuất này được thông qua.

Về các phản ánh trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo xử lý.

 

TIN LIÊN QUAN