ACB vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Như vậy, so với kế hoạch 15.018 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm nay, ACB đã thực hiện được được 60% sau nửa năm.
Theo ACB, mức độ tăng trưởng mạnh mẽ này là kết quả từ sự tập trung vào tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ từ đầu năm, tăng thu nhập phí dịch vụ và các khoản thu hồi nợ xấu, đặc biệt là các khoản hoàn nhập dự phòng cho vay khách hàng.
Trong đó, thu nhập lãi thuần và thu từ hoạt động dịch vụ đều tăng 15% so với cùng kỳ, đạt lần lượt 11.047 tỷ và 1.732 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 5% so với cùng kỳ, đạt hơn 448 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hoạt động góp vốn, mua cổ phần và hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng đột biến so với cùng kỳ, mang về cho ngân hàng lần lượt 32,7 tỷ và 725 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm đến 73% so với cùng kỳ 2021, xuống còn gần 25 tỷ đồng. Trong khi đó, hoạt động chứng khoán kinh doanh ghi nhận khoản lỗ gần 238 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Trong kỳ, ACB được hoàn nhập hơn 270 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ trích dự phòng hơn 1.992 tỷ đồng. Riêng trong quý 2, ngân hàng hoàn nhập hơn 267 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 2, tổng tài sản hợp nhất của ACB đạt gần 544.000 tỷ đồng, tăng thêm 16.000 tỷ đồng so với đầu năm 2022; dư nợ tín dụng đạt gần 396.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,31%; tiền gửi khách hàng đạt trên 388.000 tỷ đồng, tăng hơn 8.000 tỷ đồng với đầu năm tương đương tăng 2,2%.
Nợ xấu nội bảng của ACB tăng 7% so với đầu năm, lên 2.998 tỷ đồng, chủ yếu do nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gần 60%. Song, tỷ lệ nợ xấu vẫn giảm từ 0,78% xuống còn 0,76%.