Với 2.161.558.460 cổ phiếu đang lưu hành, ACB sẽ phát hành thêm 540.389.615 cổ phiếu để trả cổ tức. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của ACB đạt 27.019 tỷ đồng, vượt qua VPBank và sếp sau BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, MB.
Đóng cửa ngày 10/6, cổ phiếu ACB đạt 34.100 đồng/cổ phiếu giúp vốn hóa của ngân hàng này đạt 92.136 tỷ đồng và cũng chỉ xếp sau Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, VPBank, MB. Hòa trong sóng cổ phiếu ngành ngân hàng, ACB đã tăng 51,5% trong 5 tháng đầu năm 2021 và 60% trong năm vừa qua.
Tính đến 31/3, tiền gửi của khách hàng tại ACB đạt 352.218 tỷ đồng, giảm 0,28% so với đầu năm; cho vay khách hàng đạt 324.311 tỷ đồng, tăng 4,12%; tổng tài sản đạt 449.515 tỷ đồng, tăng 1,12%. Tổng nợ xấu đạt 2.954 tỷ đồng, tăng 60,52%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,91% tăng mạnh so với mức 0,59% của thời điểm đầu năm nay.
Trong 3 tháng đầu năm nay, ACB đạt 3.104 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 2.483 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 61% so với cùng kỳ 5 năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 1.149 đồng.
Năm 2021, ACB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 10.602 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 10%, tiền gửi khách hàng tăng 9%, tín dụng tăng 9,5% và tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%. Kế hoạch cổ tức năm 2021 tiếp tục duy trì ở mức 25% và cũng được chi trả bằng hình thức cổ tức bằng cổ phiếu.
Để thực hiện kế hoạch này, Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy cho biết, năm nay, ACB tiếp tục thực thi chiến lược hoạt động 2019-2024 với tầm nhìn ACB là ngân hàng bán lẻ hàng đầu, có tăng trưởng tổng thu nhập ở mức cao, đem lại trải nghiệm khách hàng tốt nhất, và có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) từ 20%/năm trở lên; tập trung cho các phân đoạn mục tiêu ở khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời phát triển có chọn lọc khách hàng doanh nghiệp lớn.