10 đại học có doanh thu nghìn tỷ, 2 trường thu vượt 2.000 tỷ cao nhất Việt Nam

Trong đó 2 trường đạt doanh thu trên 2.000 tỷ đồng.

Đầu năm học 2024-2025, các trường đại học công bố báo cáo "Ba công khai" theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, 6 trường công lập có doanh thu nghìn tỷ là: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghiệp TP.HCM, và Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Về trường tư thục, các trường đại học có doanh thu trên nghìn tỷ đồng là Đại học FPT, Đại học Nguyễn Tất Thành và Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech).

10 đại học ở Việt Nam có doanh thu nghìn tỷ. Ảnh: Vnexpress

Đặc biệt, có hai trường dẫn đầu tổng thu là Đại học FPT với gần 2.920 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2021. Tiếp theo là Đại học Bách khoa Hà Nội với khoảng 2.140 tỷ đồng. Ngoài ra, các trường khác có mức doanh thu tăng nhưng chưa có sự vượt bậc ngoạn mục, như Đại học Kinh tế Quốc dân từ 1.060 tỷ (2022) lên 1.410 tỷ và Đại học Kinh tế TP.HCM từ hơn 1.440 tỷ lên gần 1.680 tỷ.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số trường chưa công bố báo cáo doanh thu.

Doanh thu của các trường đại học đến từ bốn nguồn: ngân sách; học phí và lệ phí; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nguồn khác như tài trợ từ doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà xuất bản và doanh nghiệp trực thuộc. Trong đó, học phí đóng góp tỷ lệ lớn nhất. Điều này có thể được coi là tín hiệu đáng mừng khi các trường đạt doanh thu cao, nhưng cũng phần nào gây áp lực cho sinh viên và phụ huynh khi mức học phí ngày càng tăng.

Năm học trước, Chính phủ đã chốt tăng trần học phí đại học. Đối với các trường công lập chưa tự chủ, mức thu là 12-24,5 triệu đồng/năm, tăng so với mức cũ (9,8-14,3 triệu). Đối với trường đã tự chủ, mức thu có thể gấp 2,5 lần. Với chương trình đạt kiểm định, trường đại học được tự xác định học phí. Thực tế, học phí đối với tân sinh viên năm nay dao động từ 10,6 triệu đến 250 triệu đồng, phổ biến là 20-40 triệu đồng/năm.

Đại học Bách khoa Hà Nội với khoảng 2.140 tỷ đồng. Ảnh: Internet

Hiện cả nước có hơn 140 trong số 232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Tùy vào mức độ tự chủ, các trường có thể bị cắt một phần hoặc hoàn toàn ngân sách, khiến học phí chiếm 50-90% tổng thu.

Năm 2020, ngân sách chi cho giáo dục đại học ở Việt Nam chỉ khoảng 0,27% GDP, trong khi tỷ lệ trung bình của 38 nước OECD là 0,93%. Ở Đông Nam Á, Malaysia và Singapore chi trên 1%, trong khi Thái Lan là 0,64%.

TIN LIÊN QUAN