Dữ liệu cũ
Thứ hai, 11/05/2015, 15:52 PM

9X từng bị xâm hại đạp xe xuyên Việt chống bạo hành giới và kỳ thị LGBT

(NTD) - Từng bị bạo hành, kỳ thị nhưng chính nỗi đau cùng ký ức về tuổi thơ bất hạnh đã khiến cô gái trẻ Từ Thanh Thúy quyết định khởi hành chuyến xuyên Việt chống bạo hành giới và kỳ thị LGBT.

Trên trang mạng cá nhân của mình, Từ Thanh Thúy giãi bày chân thật: “Tôi là Từ Thanh Thúy, sinh năm 1992, một cô gái mồ côi từ bé và không có sự quan tâm từ người thân. Tôi đồng tính! Sự kỳ thị và những điều mà tôi đã từng trải qua là một điều mà tôi không thể nào quên trong cuộc đời của tôi. Tôi đã từng bị bạo hành, đã từng bị xâm hại…, đã từng trải qua rất nhiều nốt thăng trầm trong cuộc sống. Vì những gì tôi đã trải qua nên đã sinh ra hành trình đạp xe này".

Chim non không tổ và trang đời đầy nước mắt

Từ Thanh Thúy sinh năm 1992 tại Ninh Kiều, Cần Thơ, sự có mặt của Thúy là kết quả không mong muốn của một mối tình trẻ con, chính vì vậy cô gái bị bỏ cho ông nội nuôi từ nhỏ mà không có sự quan tâm từ chính những người sinh ra mình. Thúy kể: "Ông nội nói lúc hai người yêu nhau, má và ba đều vắt mũi chưa sạch, chẳng may bị nhỡ mà có bầu. Gia đình ông nội mâu thuẫn với má nên không chấp nhận cho cưới, với lại cả hai đều chưa đủ 15 tuổi. Thế là má nhẫn tâm bỏ mình... ".

Người cha trẻ cũng đi biền biệt, cả năm mới về một lần, chẳng chăm con được ngày nào. Thúy được sống và được cho đi học là nhờ ông nội. Trong sổ hộ khẩu gia đình, ông nội được khai là "cha" của Thúy, còn cha ruột lại là "anh trai"! Sau khi đủ tuổi, người cha của em đi lấy người khác và quên luôn con gái. Chưa hết nghiệt ngã, thiếu tình thương của cha mẹ đã đành, Thúy phải nhận sự ghẻ lạnh của cô - dì - chú - bác, suốt ngày thui thủi một mình, không có ai chỉ dạy, chia sẻ.

11101620_826734370740005_1900594888581570109_n

Từ Thanh Thúy và hành trình đạp xe xuyên Việt chống bạo hành giới và ủng hộ cộng đồng LGBT tại công viên Nghĩa Đô, Hà Nội.

Không chỉ là nạn nhân của bạo hành gia đình, Thúy cho biết bản thân mình từng bị người hàng xóm xâm hại tình dục năm 12 tuổi. Mặt khác, Thúy còn nhìn nhận mình từng là nạn nhân của bạo hành giới LGBT.

“Mấy người bạn học hay chọc ghẹo mình là đồ “ô môi”, là đứa dị thường, đồ không cha không mẹ… Tụi nó lôi mình đi đánh nhau và bảo rằng nếu mày không đánh nhau thì tụi tao sẽ đánh mày!”, Thúy nhớ lại. Tuổi thơ cay đắng khiến cho cô bé Thúy từng cắt tay, uống thuốc ngủ đến ba lần để tự tử, nhưng đều may mắn thoát chết.

Sau một trận choảng nhau với bạn, Thúy bị đuổi học khi mới bước vào học kỳ 2 lớp 11 chưa được bao lâu. Sự cố này càng khiến mâu thuẫn gia đình đối với Thúy càng trở nên trầm trọng. Ức chế, khủng hoảng tâm lý, Thúy đã bỏ nhà đi bụi vào năm 16 tuổi.

“Mình từng lang thang khắp nơi, từ Nam ra Bắc và làm đủ nghề. Có thời gian mình làm tiếp viên trong quán bar nhưng thấy môi trường đó có nhiều cám dỗ quá, nên mình đã cố vùng vẫy thoát ra”, Từ Thanh Thúy bộc bạch.

Nghe cách nói chuyện hồn nhiên của Từ Thanh Thúy, ít người nghĩ rằng cô gái này từng trải qua những quãng đời bầm dập. Khi ai đó hỏi cô có hận đời không, Thúy cười toe: “Nếu hận thù thì biết trả thù ai bây giờ? Mà nhiều khi trả thù chưa xong thì cuộc đời của mình cũng bị mất tiêu luôn, do phải vướng vòng tù tội. Trừ những lúc gặp bất trắc, tôi mới phải “xù lông” phòng thủ thôi, còn lại thì tôi luôn nghĩ mình hãy cứ sống vô tư như cách sống hiện tại”.

Khi được hỏi có bao giờ Thúy có ý định đi tìm lại cha mẹ mình, Thúy cho biết, mẹ không bao giờ tìm Thúy, cũng chẳng có ý định bù đắp cho cô con gái thiệt thòi. Cha lại càng không. Bởi thế, biết cha mẹ còn sống mà như đứa trẻ mồ côi, có đủ họ hàng nội ngoại mà không thể về. Mỗi lúc nhìn thấy những đứa con gái đi bên mẹ cha, được yêu thương, được nũng nĩu, Thúy đều rơi nước mắt. Nhiều lần bấm điện thoại vào số của mẹ, chẳng liên lạc được, Thúy thấy người muốn khuỵu xuống. Thúy nói: "Người nói ba có tội, người nói má. Mình không hiểu gì hết, mình chỉ thấy cả hai đều vô trách nhiệm và đều không thương mình. Lần nào mình gọi được cho má, hai má con chỉ nói chuyện nhát gừng, cứ như hai người không phải là ruột thịt".

Hành trình đạp xe 2000km và thông điệp chống bạo hành giới, ủng hộ LGBT

Ngoài việc là một đứa trẻ bị bỏ rơi, “không cha không mẹ”, Thanh Thúy còn là một đồng tính nữ công khai. Chính vì lý do này mà cô bạn chịu đựng sự bắt nạt, kỳ thị vô cớ từ bạn bè trong suốt quãng thời gian đi học. Những cay đắng của tuổi thơ, những cay nghiệt của cuộc sống là lý do khiến Thúy ấp ủ hành trình xuyên Việt kéo dài hơn ba tháng. Cô bạn quyết định đạp xe từ Hà Nội ra Cà Mau để mọi người cái nhìn đúng đắn và hiểu hơn về cộng đồng LGBT.

10864027_1088253001188633_605068704476679548_o
Từ Thanh Thúy (bên phải) tại buổi offline cùng cộng đồng LGBT ở Hải Phòng

Hành trình đạp xe qua gần 50 tỉnh thành của Thúy là hành trình không đơn độc khi Thúy đã kết hợp cùng với kết nối viên ở các tỉnh để có thể trò chuyện, chia sẻ cùng những người trong cộng đồng LGBT cũng như tuyên truyền về bạo hành giới và làm thế nào để mọi người có cái nhìn đúng đắn về cộng đồng LGBT.

 Khi thông báo về chuyến đi này, Thanh Thúy nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ, tuy nhiên Thúy đều từ chối. Cô bạn thông báo công khai qua Facebook cá nhân: “Thúy đi xuyên Việt để giao lưu chia sẻ cùng với cộng đồng LGBT và giới trẻ để mọi người hiểu thêm, để giảm thiểu sự kỳ thị giới và những điều đáng tiếc khác. Thúy đi không vì mục đích kêu gọi tài trợ, quyên góp, chỉ vì mục đích lan tỏa yêu thương và giao lưu để cho mọi người dám sống là chính mình".

Thúy cho biết có một số anh chị thân quen khuyên cô không nên thực hiện chuyến hành trình xuyên Việt này. Thế nhưng, cô gái này tỏ ra cương quyết: “Mình biết là có rất nhiều khó khăn, thách thức đang đón đợi phía trước. Mình cũng biết các anh chị ấy thương mình, lo lắng cho mình nên mới có ý ngăn cản. Nhưng cho dù có bị các anh chị ấy có tuyệt giao đi nữa, thì mình cũng vẫn lên đường!”.

“Đi là đến - Đạp là tới!’’ là phương châm sống của cô gái đồng tính này, hành trình đạp xe xuyên Việt còn nhiều những gian nan, thử thách, nhưng cô gái trẻ vẫn quyết tâm chinh phục mong muốn thay đổi cách nhìn của cộng đồng về cộng đồng LGBT.

Từ Thanh Thúy khởi hành chuyến đạp xe xuyên Việt vào sáng 25.4 tại Hà Nội và kết thúc hành trình vào ngày 25.7 tại Cà Mau. Hiện tại, Thúy vẫn cần sự góp sức của mọi người từ khắp nơi để hỗ trợ cho hành trình:

- Sự tham gia của cộng đồng LGBT và người ủng hộ trên khắp Việt Nam.

- Vé xe chiều về từ Cà Mau – TP.HCM

- Đóng góp cho quỹ LGBT – toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ được sử dụng những hoạt động chống bạo hành giới LGBT.

Thông tin giúp đỡ và ủng hộ:

- Đóng góp qua tài khoản Sacombank – chi nhánh Cần Thơ:

+ Tên chủ tài khoản: Từ Thanh Thúy

+ Số tài khoản: 070017585965

+ Số điện thoại: 0917.656106

Mọi thông tin liên quan đến Văn hóa - đời sống, bạn đọc có thể theo dõi thêm tại đây

Huyền Cao

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.