Dữ liệu cũ
Thứ năm, 27/03/2014, 15:50 PM

4 năm một đại án ODA: ‘Lót ổ’ cho tiêu cực?

Trong 12 năm qua, cứ chu kỳ bình quân 4 năm là xảy ra 1 vụ tiêu cực lớn liên quan đến vốn ODA ở nước ta. Như vậy, việc quản lý nguồn vốn này có kẽ hở, cần phải vá ngay để không chảy lệch dòng.

Mấy ngày nay, thông tin chủ tịch Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) hối lộ cho quan chức ngành đường sắt Việt Nam hơn 80 triệu yen (trên 16 tỉ đồng) để trúng gói thầu tư vấn dự án đường sắt đô thị số 1 tại Hà Nội đang gây chấn động dư luận cả nước. Sau vụ án PMU 18 (năm 2006) đến vụ án Công ty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI – Nhật Bản) hối lộ giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây TP HCM (năm 2010) và bây giờ là vụ JTC, tạo ra dư luận không tốt về việc quản lý các dự án ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) của nước ta.

Thiếu kinh nghiệm quản lý

Không ai phủ nhận vai trò của ODA suốt hơn 2 thập kỷ vừa qua (từ năm 1993 đến nay) trong việc giúp Việt Nam hội nhập và phát triển kinh tế – xã hội ổn định; góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của quốc gia; bổ sung dự trữ ngoại hối; tăng sức mạnh tài chính của đất nước. Trong tổng số vốn ODA tài trợ, có khoảng 80%-90% là vốn vay và 10%-20% là vốn viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn vay lại được ưu đãi về thời hạn vay khá dài, lãi suất vay khá thấp, có thời gian ân hạn.

ODA còn thể hiện sự ủng hộ chính trị, lòng tin của các nhà tài trợ; tác động cụ thể trên nhiều ngành, lĩnh vực của Việt Nam, trong đó có một số ngành, lĩnh vực quan trọng, như: phát triển nông nghiệp – nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội; bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển dự án…

Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng vốn ODA tại Việt Nam bộc lộ nhiều vấn đề như hệ thống khung pháp lý giữa Việt Nam và các nước tài trợ vẫn chưa “hài hòa” theo mong đợi; Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm từ thể chế chính sách đến cán bộ điều hành trong quản lý dự án nói chung và dự án ODA nói riêng; ODA vẫn còn là chuyện của “cấp trên” – một lãnh địa khép kín; một số địa phương và bộ – ngành hiểu ODA là “chùm khế ngọt” và giống như nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta vẫn bị khống chế theo những điều kiện có lợi cho nước tài trợ ODA.

Cứ chu kỳ trung bình 4 năm là xảy ra chuyện lớn về quản lý sử dụng nguồn vốn ODA. Như vậy, nói gì thì nói, đang có kẽ hở tạo tiêu cực, tham nhũng trong việc quản lý nguồn vốn này.

Quá nhiều yếu tố “lót ổ” cho tiêu cực

Thật ra, việc hối lộ, tham nhũng trong các dự án đầu tư xây dựng công trình ở Việt Nam không phải là hiếm và cũng không có gì là mới. Xuất phát từ các thể chế quản lý đầu tư xây dựng tuy đã chuyển sang kinh tế thị trường rồi nhưng vẫn mang màu sắc bao cấp “xin – cho” như định mức đơn giá, mọi hoạt động từ thiết kế dự toán đến nghiệm thu thi công cũng phải có ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước nhưng khi xảy ra vấn đề thì không cá nhân nào chịu trách nhiệm cụ thể, cộng với thói quen sử dụng tiền mặt không thông qua tài khoản cá nhân cũng góp phần tạo ra tham nhũng.

Với dự án ODA thì ngoài những kẽ hở chung của hoạt động dự án, cộng với những bất cập của hình thức đầu tư đặc biệt này, tiêu cực càng nảy sinh gấp bội.

Về khung pháp lý, đến nay đã có Nghị định 38/2013/NĐ-CP ngày 23-4-2013 thay thế Nghị định 131/2006/NĐ-CP ngày 9-11-2006 nhưng vẫn chưa có các thông tư hướng dẫn đồng bộ kịp thời, đặc biệt là quy định về trách nhiệm chủ đầu tư và trách nhiệm vai trò kiểm soát giám sát của cấp chủ quản, các bộ – ngành.

Về tính công khai minh bạch, dự án ODA chỉ được nhắc trong phần lập kế hoạch, còn phần thực hiện thì thiếu phản biện và giám sát xã hội. Ngay trong ban quản lý dự án cũng thiếu quy chế dân chủ, thường mang tư tưởng ỷ lại là dự án trọng điểm được chỉ đạo trực tiếp bởi lãnh đạo cao nhất, thoát ly sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Ở các nước trên thế giới, khi nhận ODA, để hạn chế các vấn đề cố hữu của nó, họ thường tăng cường tính minh bạch và hiệu quả thông qua khung pháp lý rõ ràng, các nghiên cứu đánh giá một cách khoa học và liên tục, có sự phản biện giám sát cộng đồng chặt chẽ, sự theo dõi của giới truyền thông và phải có các quy định ngăn ngừa chế tài hành vi tham nhũng mang tính hiệu lực cao.

Ngoài việc khắc phục những tồn tại nêu trên, Chính phủ nên thành lập một tổ chức chuyên trách theo dõi về nợ công và quản lý ODA. Một số dự án ODA quy mô lớn, tính chất công nghệ phức tạp hay quá mới, chúng ta nên thuê tư vấn nước ngoài quản lý dự án (không phải là tư vấn nước tài trợ ODA). Kiên quyết không nhận những dự án ODA mà Việt Nam không kiểm soát được chi phí hoặc bất lợi trong việc trả nợ về sau.

Với các dự án hạ tầng ODA Nhật Bản, không nên tiếp tục chuyện “vừa thiết kế vừa thi công” để tránh tình trạng đội giá không cách gì kiểm soát trong tình hình trình độ và phẩm chất của đội ngũ cán bộ kỹ thuật Việt Nam còn hạn chế như hiện nay.

Và giống như các lĩnh vực khác, muốn chống tham nhũng cần phải có sự tham gia đa dạng, tích cực của toàn xã hội, trước hết là lãnh đạo phải quyết tâm thực sự.

Không ai dại mang tiền vào cho không chúng ta. Họ bỏ vào chỗ này thì sẽ lấy lại chỗ khác, một khi suất đầu tư tăng lên cao thì ODA sẽ không còn ý nghĩa, con cháu chúng ta sau này phải chắt chiu trả nợ, chưa kể hậu quả suất đầu tư các dự án hạ tầng trong nước theo đó sẽ tăng cao ngất trời như một số dự án đường cao tốc vừa được công bố mới đây.

Theo NLĐ

Nguồn: vietnamnet.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.