Thứ năm, 30/05/2019, 09:45 AM

Xuất khẩu trái cây vào Mỹ nhìn từ trái xoài

(NTD) - Xoài là loại trái cây thứ 6 của nước ta chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ sau vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa và thanh long. Tuy nhiên, để giữ vững thị phần tại thị trường khó tính này là điều không hề dễ dàng.

9

Sau 10 năm đàm phán, Việt Nam đã chính thức xuất khẩu xoài sang Mỹ.

Sau 10 năm nỗ lực đàm phán?

Giữa tháng 4/2019, lần đầu sau 10 năm nỗ lực tìm đường, Việt Nam đã có lô xoài 8 tấn xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, gồm xoài cát Hòa Lộc, Cát Chu, tượng da xanh của Đồng Tháp.

Riêng xoài cát chu Cao Lãnh và xoài Cao Lãnh - Đồng Tháp đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu. Hiện Đồng Tháp đã có 301ha được cấp mã vùng trồng xoài. Toàn tỉnh có 181ha xoài được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 43ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và 17ha đủ điều kiện an toàn thực phẩm, qua đó góp phần vào việc xuất khẩu xoài của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Ngày 18/5 vừa qua, UBND tỉnh An Giang cũng đã công bố xuất khẩu 1 tấn xoài cát Hòa Lộc đầu tiên của tỉnh này sang Mỹ bằng đường hàng không. Đây là số xoài do Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp bến Bà Chi (huyện Tri Tôn) trồng, được lựa chọn và đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Hàng năm, Mỹ phải nhập khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia châu Mỹ như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatemala.

Với nhu cầu đó, Việt Nam kỳ vọng có thể xuất sang Mỹ khoảng 3.000 tấn xoài tươi, tương đương khoảng gần 1% lượng xoài tươi nhập khẩu của Mỹ nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của quốc gia này. Tuy nhiên, đây là bài toán không hề dễ.

Muốn trụ vững, phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn của Mỹ

Ông Lê Hoàng Yên - Hội viên HTX Xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) chia sẻ, hợp đồng với Mỹ rất khắt khe, xoài phải bóng láng, đủ 260g trở lên... Ông Yên nói thêm, xoài của HTX này xuất khẩu nhiều năm nay sang Nga chỉ cần đủ gam, trái đủ ngọt, không dư thuốc; còn với Nhật thì cần độ bóng láng, mẫu mã đẹp kèm chất lượng chứ không quá khắt khe về liều lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng riêng với Mỹ có nhiều yêu cầu hơn nên HTX luôn giám sát nông dân sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap.

“Mình phải phân thuốc kỹ, cấm nhiều loại phân, thuốc từ giai đoạn 25-30 ngày trước khi hái không được thêm phân, thuốc...” - ông Yên cho hay.

Phía Cơ quan Kiểm dịch động thực vật - APHIS (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) đã xác định xoài Việt Nam có thể được nhập vào Mỹ theo quy trình được phối hợp quản lý có hệ thống từ khâu trồng cho đến đóng thùng, vận chuyển... nhằm bảo đảm trái đạt chất lượng và không còn tồn dư chất bảo vệ thực vật.

Theo đó, để xuất khẩu xoài tươi vào Mỹ, các địa phương và doanh nghiệp cần đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe như: Vườn trồng, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục Bảo vệ Thực vật và APHIS cấp mã số để quản lý, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch...

Giới chuyên gia đầu ngành cho biết, nỗi lo lớn nhất hiện nay là kỹ thuật bảo quản xoài khi xuất khẩu. Bởi trước đó, trái xoài Việt Nam xuất sang Nhật được đánh giá cao nhưng sau một thời gian, lại có xu hướng giảm số lượng, sức cạnh tranh thấp bởi quả xoài mau bị héo vỏ, chín nhanh và dễ thối hỏng.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc Công ty T&T từng có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu trái cây sang Mỹ, cho biết, quy trình bảo quản trái cây khá khó khăn và tốn nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu được đầu tư bài bản, đúng mực sẽ mang lại nhiều giá trị và lợi nhuận không ngờ đến.

Đáng nói, phần lớn diện tích xoài ở nước ta hiện nay còn manh mún, hơn 95% diện tích vườn xoài là trồng cây hỗn hợp nên năng suất chưa cao, chất lượng chưa bảo đảm. Đặc biệt là việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nếu không được kiểm soát tốt, sẽ rất dễ đánh mất thị trường.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), năm 2019, ngành phấn đấu về diện tích cây ăn quả đạt 1 triệu ha. Đồng thời, đẩy mạnh rải vụ 5 loại cây trái chính tại các tỉnh phía Nam; giá trị xuất khẩu rau quả đạt khoảng 4,2 tỷ USD. Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, ngành trồng trọt tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...

Sau xoài, trái bơ Việt nhắm đến thị trường Mỹ

Sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa đóng cửa biên giới với Mexico khiến người tiêu dùng Mỹ lo ngại có thể thiếu nguồn cung cấp loại trái cây này và Việt Nam đang tìm cơ hội xuất khẩu trái bơ sang Mỹ.

Một lý do nữa là, phía Việt Nam tìm đường cho trái bơ nhập sang Mỹ được thúc đẩy bởi giá nhiều loại nông sản như cà phê, tiêu, điều xuống thấp, khiến nông dân Việt Nam chuyển sang các loại cây trồng khác, bao gồm cả bơ. Trái bơ tại Mỹ thường được sử dụng trong món xốt guacamole (một loại nước sốt kem được dùng để chấm thực phẩm cho các món ăn khai vị) được chế biến từ trái bơ tươi dầm hoặc kem phết lên bánh mì nướng. Việt Nam đã xuất khẩu một lượng nhỏ bơ sang Liên minh châu Âu (EU) nhưng vẫn chưa thể vào được thị trường Mỹ - nơi bị chi phối bởi nguồn cung từ Mexico.

Tuy nhiên, đại diện Bộ NN-PTNT cho biết còn quá sớm để nói việc xuất khẩu bơ của Việt Nam sang Mỹ sẽ thành công. Cần có nhiều tính toán hơn về tiềm năng, quy mô sản xuất cũng như chất lượng trái bơ để đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của Mỹ, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh với các thị trường khác.

10
Thanh long là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào Mỹ và đang ngày càng giữ vị thế.

5 loại trái cây đã được phép xuất sang Mỹ với yêu cầu gì?

Thanh long là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Năm đầu tiên (2008), Việt Nam chỉ xuất được 100 tấn thanh long sang Mỹ, thì đến năm 2012, con số đó đã tăng lên 1.200 tấn.

Chôm chôm Việt Nam được phép xuất khẩu sang Mỹ từ năm 2011. Các tiêu chuẩn mà Mỹ đưa ra là chôm chôm phải tươi, phải được xử lý bằng phương pháp chiếu xạ phù hợp với luật pháp của Mỹ. Chỉ cần một trái chôm chôm dính đất, chất bẩn hoặc phát hiện có sâu bọ thì chuyên gia của Bộ Nông nghiệp Mỹ (United States Department of Agriculture) sẽ hủy lô hàng.

Tháng 10/2014, quyết định của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép nhập khẩu nhãn từ Việt Nam chính thức có hiệu lực.

Lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ qua đường hàng không vào ngày 30/5/2015. Để xuất khẩu được vào thị trường Mỹ, vải Việt Nam phải qua nhiều quy định bắt buộc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Trước khi xuất khẩu sang Mỹ, vú sữa phải được chiếu xạ, bọc từng trái riêng trong túi ni lông để tránh lây lan dịch bệnh từ quả này sang quả khác.

Nguyễn Ngọc

 

Bình luận

Nổi bật

Doanh nghiệp áp dụng 5S và TPM giúp ổn định và nâng cao năng suất

Doanh nghiệp áp dụng 5S và TPM giúp ổn định và nâng cao năng suất

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 18:07

(CL&CS)- Việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất được xem là yếu tố quan trọng bên cạnh giải pháp về đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nâng cao năng suất chất lượng: Yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp

Nâng cao năng suất chất lượng: Yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 15:01

(CL&CS)- Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các công cụ cải tiến năng suất, hệ thống quản lý chất lượng... là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng.

Doanh nghiệp ngành thép có chất lượng vượt bậc nhờ áp dụng công cụ nâng cao năng suất

Doanh nghiệp ngành thép có chất lượng vượt bậc nhờ áp dụng công cụ nâng cao năng suất

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 08:21

(CL&CS) - Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành thép đã chủ động áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, đổi mới công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.