Thứ ba, 03/09/2019, 14:20 PM

Dự án nước sạch 5.000 tỷ đồng của Shark Liên sẽ được khánh thành vào ngày 5/9

(NTD) - Tại Hà Nội, nhà máy nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne - Dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc sẽ khánh thành giai đoạn 1 công suất 300.000m3 ngày/đêm vào ngày 5/9/2019 tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.

Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ xử lý nước đạt tiêu chuẩn châu Âu – G7, đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho hàng triệu người dân thủ đô, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng.

Báo Người Tiêu Dùng đã có cuộc trò chuyện thú vị với Madam Đỗ Liên – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne về niềm vui này.

1

Madam Đỗ Liên – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne chia sẻ với báo chí về niềm vui nhà máy nước mặt Sông Đuống về đích sớm 16 tháng so với kế hoạch.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống về đích sớm trước thời hạn 16 tháng, đâu là động lực để Nhà máy đạt được kết quả tuyệt vời này, thưa bà?

Sức khỏe người dân chính là động lực, là giá trị cao nhất của nhà máy nước mặt Sông Đuống. Để đạt được tiến độ và thành công này, đầu tiên chúng tôi muốn cảm ơn bà con nhân dân khu vực xã Phù Đổng và Trung Màu đã ủng hộ, giao đất để chúng tôi thực hiện dự án. Bên cạnh đó, yếu tố tiên quyết để dự án của chúng tôi được triển khai và vận hành sớm so với kế hoạch là sự ủng hộ, tạo điều kiện và động viên của lãnh đạo Thành Uỷ, UBND, HĐND và các Sở, ban, ngành thành phố Hà Nội. Chúng tôi cũng tự hào khi được làm việc với những chuyên gia, kỹ sư, cộng sự của NMNM Sông Đuống với tinh thần làm việc quyết liệt, tâm huyết và hết mình… Tất cả những yếu tố đó đã giúp nhà máy nước sạch lớn nhất miền Bắc giữ đúng cam kết phát nước phân kỳ 1 vào tháng 10/2019 và về đích toàn giai đoạn 1 sớm 16 tháng, góp phần giảm thiểu gánh nặng an sinh cho thành phố, đồng thời đảm bảo an ninh đô thị cho thủ đô Hà Nội.

Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc phân bổ nguồn nước sạch đến người dân thành phố Hà Nội như thế nào?

Từ khi đưa vào vận hành phân kỳ 1 tháng 10/2018 với công suất phát bình quân 120.000 - 130.000m3/ngày đêm, NMNM Sông Đuống đã cung cấp nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm và khu vực phía Nam thành phố bao gồm: Quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì. Đặc biệt các khu vực khó khăn cuối nguồn nước điểm Xa La tại quận Hà Đông, một số xã huyện Thanh Trì dọc trên đường QL 70 thông qua các Công ty cấp nước phân phối trên địa bàn Hà Nội như Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội, Công ty CP Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty CP VIWACO, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông… trong đó có những điểm thay thế chủ lực việc sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm nặng như hệ thống giếng ngầm của các nhà máy nước phía Nam tại nút Pháp Vân; Cung cấp nước sạch cho một số vùng trước đây chưa có mạng lưới nước sạch, phải sử dụng nước tự khoan như địa bàn các xã Trung Màu, Văn Đức huyện Gia Lâm, và đang tiếp tục lắp đặt mạng phân phối cho các xã Dục Tú, Mai Lâm huyện Đông Anh, phạm vi này đang tiếp tục được mở rộng thêm; Đặc biệt đã đáp ứng sự thiếu hụt nguồn cung nước sạch cho cư dân Hà Nội trong đợt nắng nóng cao điểm hè 2019.

Sau khi khánh thành phân kỳ 2 nâng tổng công suất lên 300.000m3/ngày đêm, NMNM Sông Đuống sẽ tiếp tục bổ sung cung cấp nước sạch cho các quận nội thành, khu vực trung tâm của thành phố; cung cấp nước sạch sinh hoạt cho một số vùng bổ sung thuộc ngoại thành thành phố Hà Nội. Phía Tây Nam: Ứng Hòa, Thanh Oai và khu vực phía Nam các huyện Thường Tín, Phú Xuyên; phía Bắc: Các khu vực còn lại của các huyện Đông Anh, Sóc Sơn; cấp nước tập trung cho một số Khu đô thị lớn đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào sử dụng như Khu đô thị VinCity Gia Lâm tại huyện Gia Lâm, Khu đô thị Thanh Hà tại quận Hà Đông và đón đầu tạo cơ sở hạ tầng cho các khu đô thị đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng như Khu đô thị thông minh của Tập đoàn BRG, Công viên Kim Quy, Khu trung tâm triển lãm Quốc Gia, Khu đô thị Cổ Loa… tại Huyện Đông Anh.

Bên cạnh đó, NMNM Sông Đuống còn bổ sung cấp nước vùng cho tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, cụ thể: Các xã thuộc huyện Văn Giang - Hưng Yên, Khu đô thị Eco Park (Hưng Yên); Bổ sung cấp nguồn nước cho thị xã Từ Sơn, Khu đô thị công nghiệp VSIP (Bắc Ninh)… đảm bảo các điểm đấu nối cấp nước của mạng lưới cấp nước NMNM Sông Đuống hoàn toàn có thể thay thế việc giảm và dừng khai thác các giếng ngầm bằng nguồn nước mặt theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng nhân dân thành Phố Hà Nội thông qua Nghị Quyết số 11/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 tại kỳ họp thứ 9.

2

Dự án sử dụng nguồn nước thô được khai thác từ sông Đuống đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050.

Được đánh giá là công trình hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến, cung cấp nước sạch cho người dân với tiêu chuẩn châu Âu-G7, bà có thể cho biết về việc áp dụng công nghệ trong xây dựng và vận hành Nhà máy, hệ thống đường ống truyền tải nước được sử dụng bằng chất liệu gì để đảm bảo tính bền vững và đạt yêu cầu có thể uống ngay tại vòi?

Ở một số quốc gia phát triển trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, người ta đã sử dụng nước uống ngay tại vòi từ lâu, hạn chế việc đóng chai gây lãng phí và ảnh hưởng môi trường. Tại Việt Nam, không chỉ cá nhân tôi mà hầu hết mọi người đều mong muốn thụ hưởng nguồn nước sạch như vậy ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào mình đặt chân đến. Vậy nên, trước và sau triển khai dự án, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ những dây chuyền công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất trong lĩnh vực xử lý nước sạch đã sử dụng phổ biến trên thế giới, nhằm tối ưu hóa hiệu quả xử lý, quá trình vận hành bảo dưỡng, tiêu thụ điện năng và hóa chất, tự động hóa trong quá trình vận hành.

Chúng tôi thiết lập quy trình công nghệ xử lý nước chính của Công ty, bao gồm các bước xử lý như oxy hóa sơ bộ để xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ rong tảo...; nước thô sẽ được sơ lắng bằng hồ sơ lắng và bơm lên hệ thông xử lý qua các bể lắng lamella; bể lọc nhanh trọng lực, bể chứa nước sạch và khử trùng nhằm tuân thủ nghiêm ngặt chất lượng nước sau xử lý đáp ứng quy chuẩn Việt Nam do Bộ Y tế ban hành đối với chất lượng nước sinh hoạt và ăn uống trước khi được bơm ra mạng lưới truyền dẫn. Bùn thải do quá trình xử lý nước được thu gom nén tách nước bằng máy ép bùn, sân phơi bùn và được vận chuyển xử lý theo quy định.

3

Các Shark (Nhà Đầu tư) tại Shark Tank Việt Nam mùa 3 tới tham quan nhà máy.

 Để quá trình vận hành Nhà máy đạt hiệu quả tối ưu nhất, việc sử dụng điện năng lượng mặt trời cũng rất quan trọng, vừa tiết kiệm chi phí, vừa thân thiện với môi trường. Công ty đã có những bước chuẩn bị nào cho vấn đề này, thưa bà?

Ngay khi đưa vào vận hành phân kỳ 1 tháng 10/2018, Tập đoàn AquaOne của chúng tôi đã làm việc với Công ty Aone Deushauche (Đức) về việc xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái, các khu bể xử lý nước tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống, với tiềm năng công suất lên tới 10,8 MWp. Thỏa thuận cung cấp tín dụng này giữa hai bên sẽ được chính thức ký kết trong khuôn khổ đợt khánh thành sắp tới.

Theo đó, nhà máy nước mặt Sông Đuống tiếp tục được tối ưu hóa hệ thống trang thiết bị hiện đại như tấm pin, bộ khung đỡ chuyên dụng, biến tần, hệ thống cáp điện, đấu nối chuyên dụng, hệ thống điều khiển, hệ thống đèn LED, lắp đặt cấu hình tự động để tiết kiệm năng lượng; tận dụng tối đa hệ thống thông gió tự nhiên...

Hiện, chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục đăng ký, kiểm định cuối cùng để tiếp nhận chứng chỉ sử dụng tài nguyên hiệu quả EDGE của Tổ chức Tài Chính Quốc tế IFC – thành viên Ngân hàng Thế giới. Trong tương lai gần, dự kiến sẽ kết hợp với các đối tác châu Âu để thực hiện việc xử lý chế biến bùn thải thành các sản phẩm phụ hữu ích cho các ngành nghề khác, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững.

4

Toàn cảnh Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Khát vọng của nhà máy nước mặt Sông Đuống sau lễ khánh thành giai đoạn 1, thưa bà?

Mục tiêu, khát vọng của NMNM Sông Đuống là mang nguồn nước sạch sinh hoạt đến toàn bộ những khu vực thiếu nước của thủ đô và những tỉnh lân cận. Với năng lực, kỹ thuật và kinh nghiệm hiện tại, NMNM Sông Đuống đã làm chủ được công nghệ, cơ sở hạ tầng và khoảng không cần thiết cho các giai đoạn tiếp theo. Chúng tôi khẳng định nếu UBND TP.Hà Nội và các tỉnh khác đặt hàng, cứ mỗi 12 tháng, chúng tôi có thể cung cấp thêm 150,000 m3 nước sinh hoạt sạch mỗi ngày đêm, để tiếp tục lan tỏa nguồn sống, giá trị nhân văn cho cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của Bà! 

 Thanh Sơn - Thành Lữ

 

 

Bình luận

Nổi bật

Co.opmart Và Co.opXtra sale 10 ngày vàng liên tiếp đón Black Friday

Co.opmart Và Co.opXtra sale 10 ngày vàng liên tiếp đón Black Friday

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 22:17

(CL&CS) - Từ nay đến 30/11, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) triển khai chương trình khuyến mãi kéo dài trong 10 ngày liên tiếp đón siêu khuyến mãi Black Friday.

Long An: Hội nghị liên kết, hợp tác, xúc tiến du lịch và sản phẩm OCOP sẽ diễn ra vào ngày 28/11/2024

Long An: Hội nghị liên kết, hợp tác, xúc tiến du lịch và sản phẩm OCOP sẽ diễn ra vào ngày 28/11/2024

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 10:55

(CL&CS) - Hội nghị liên kết, hợp tác, xúc tiến du lịch và sản phẩm OCOP giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra tại tỉnh Long An vào sáng ngày 28/11/2024, tại Hội trường Thống Nhất tỉnh. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động trong Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần 2 năm 2024.

Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP của Đông Anh tới thị trường trong và ngoài nước

Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP của Đông Anh tới thị trường trong và ngoài nước

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 09:16

(CL&CS) - Huyện Đông Anh cần nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, sản phẩm thế mạnh của địa phương tới thị trường trong và ngoài nước; phát triển các trung tâm quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, nông lâm sản của huyện, qua đó lan tỏa thương hiệu sản phẩm tới nhiều người tiêu dùng.