Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 11/04/2020, 06:47 AM

Cú chịu trận dài nhất trong lịch sử của ngành hàng không – du lịch Việt Nam

(CLCS) - Ngành hàng không và du lịch Việt Nam đang hướng mắt đến kỳ nghỉ lễ 2/9 hay cuối năm 2020 hoặc Tết Nguyên đán 2021 như cơ hội hồi phục, bù đắp doanh số cho cả năm. Thất thu dịp Tết vừa rồi, mất đi thị trường du lịch dịp lễ 30/4 và mùa hè sắp tới là những cú đấm hiểm vào ngành!

Lockdown.jpeg

Các hạn chế đi lại từ nước ngoài vào (inbound) từ trong nước ra (outbound) và các hạn chế đi lại trong nước (domestic) được gỡ bỏ hoàn toàn thì mới mang lại sự hồi phục của nền kinh tế và công nghiệp hàng không. Sự hồi phục riêng lẻ của từng quốc gia hoàn toàn không có ý nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa. (Graphics: Nikkei Asian Review) 

"Cửa hẹp đại lục"

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) – đại diện cho 290 hãng hàng không toàn cầu – nói đại dịch viêm phổi Vũ Hán do chủng virus corona mới tạo ra cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ sự kiện 11/9. Đi lại hàng không toàn cầu trong năm giảm 14,1%, tính đến cuối tháng 2. Con số đó thật sự lớn hơn nữa khi hiện dịch đã lan đến hơn 200 nước và vùng lãnh thổ, nhiều nơi đã áp dụng phong tỏa một phần hay toàn bộ đất nước.

Trung Quốc đang là thị trường hàng không lớn thứ hai toàn cầu và chuẩn bị sớm qua mặt Hoa Kỳ giành vị trí hàng đầu. Jin Junhao thuộc Cục Hàng không Trung Quốc (CAAC) nói rằng số chuyến bay quốc tế của các hãng Trung Quốc giảm xuống còn 108 chuyến trong tuần rồi, chỉ bằng 1,2% so với con số trước dịch bệnh. Số lượng khách quốc tế mỗi ngày vào Trung Quốc chỉ còn 4.000 người, giảm mạnh so với con số 25.000 khách của tuần trước đó. Nếu bỏ qua không tính con số du học sinh Trung Quốc và Hoa kiều ở nước ngoài kéo về thì con số du khách đến Trung Quốc thật thảm hại. 

CAAC dự báo rằng các hãng Trung Quốc sẽ mất đi doanh thu khoảng 61 tỷ USD trong quý 2 và mất thêm 39 tỷ USD tiền mặt để chi cho các hoạt động. Tính sơ 100 tỷ USD sẽ bốc hơi trong quý 2.

Khả năng khống chế sự lây lan của virus corona ở Trung Quốc cũng gửi đi tín hiệu khá yếu ớt về khả năng hồi phục của ngành hàng không. Từ hôm 29/3, CAAC đã cho phép các hãng hàng không lục địa mở lại các chuyến bay quốc tế. Điều kiện khá ngặt nghèo: mỗi hãng chỉ mở một đường bay đến một quốc gia và mỗi tuần một chuyến. Tỷ lệ hành khách chỉ được tối đa là 75%. CAAC nói các hãng muốn bay cần sớm nộp kế hoạch. Các hãng nước ngoài bay đến Trung Quốc cũng tương tự như vậy.

Passenger@Airport
Các sân bay trên thế giới vắng khách trong mùa dịch, trở thành bãi đậu máy bay (Ảnh: Reuters)

Bỏ ai chọn ai?

Thị trường Đông Bắc Á – gồm Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản – là miếng bánh ngon và mảng lợi nhuận chính của các hãng hàng không Việt Nam. Với Vietnam Airlines, thị trường này chiếm 55% tổng doanh thu và lợi nhuận. Với VietJet Air đây là phân khúc giá rẻ rất màu mỡ. Còn với lính mới Bamboo Airways, đây là mảng cần sớm chinh phục.

Kể từ ngày 1/4, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài không được phép đưa hành khách đến Việt Nam. Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và các hãng tư nhân khác cũng đình hoãn các chuyến bay quốc tế đến ngày 30/4. Trên trục bay nội địa, bốn hãng bay trong nước chỉ còn khai thác ba đường bay: Hà Nội - TP.HCM và ngược lại, Hà Nội - Đà Nẵng và ngược lại, TP.HCM - Đà Nẵng và ngược lại. Đường bay Hà Nội - TP.HCM chỉ bay hai chuyến mỗi ngày phân bổ cho hai hãng khác nhau, luân phiên giữa bốn hãng Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways. Hai đường bay còn lại với Đà Nẵng chỉ bay một chuyến/ ngày. Tổng cộng 8 chuyến bay mỗi ngày!

Như vậy, với kịch bản lạc quan nhất là thị trường hàng không sẽ sớm hồi phục sau thời điểm 15/4, các hãng bay Việt cần đẩy nhanh mảng nước ngoài và nội địa. VietJet tuyên bố sẽ bắt đầu hoạt động trở lại trên các tuyến nội địa.

Thị trường nước ngoài đến thời điểm này khả quan nhất vẫn là Trung Quốc bởi các quy định về cách ly với khách đến của Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Nhưng với quy định của CAAC, các hãng Việt Nam cũng gặp khó.

Trước thời điểm phong tỏa, ba hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và VietJet Air có 87 đường bay thường lệ và thuê chuyến từ 5 thành phố Việt Nam đến 54 điểm đến ở Trung Quốc. Tổng tần suất là 401 chuyến trong tuần. Như vậy, với quy định mới của CAAC, mỗi hãng được mở lại một đường bay đến Trung Quốc với tần suất mỗi tuần một chuyến! Với tỷ lệ này, sự hồi phục hay lợi nhuận đù bắp cho mất mát trước đây là điều không tưởng.

Trong trường hợp các hãng cố thắt lưng buộc bụng để bay thì họ phải đối mặt với quyết định đau lòng. Chọn tuyến thì dễ, nhưng chọn ai bỏ ai trong đội ngũ phi công và tiếp viên đang chịu giảm lương, giảm giờ làm cùng chung vai đấu cật với hãng trong giai đoạn khốn khó?

TanSonNhatRunway
Đường băng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất luôn kẹt cứng máy bay chờ xếp hàng cất cánh từ trước Tết Nguyên đán 2020 trở về trước. Sau đó là cảnh vắng lặng... (Ảnh: Zing)

Bao giờ?

Có khá nhiều ý kiến cho rằng thị trường hàng không sẽ trở nên tấp nập trở lại sau thời điểm 15/4 – ngày hết hạn cách ly toàn xã hội trên toàn quốc.

Nhưng điều đó dường như quá lạc quan bởi đến giờ lệnh cấm vẫn còn hiệu lực đối với các tuyến bay quốc tế đến và đi, tương tự như vậy với lệnh giảm thiểu các chuyến bay nội địa. Đó còn chưa kể đến “yếu tố bất ngờ” khi thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng quyết định cách ly có thu phí hai tuần người đến từ TP.HCM và Hà Nội. Hành khách giờ như “chim phải tên sợ cành cong” bởi những tổn thất tâm lý và nỗi sợ sẽ ám ảnh, kéo dài.

Ngành hàng không và du lịch giờ chỉ trông vào dịp lễ 30/4 và 1/5 cùng đợt hè sắp tới. Nhưng điều này cũng vẫn đang nằm ngoài tầm với bởi mọi người vẫn chưa kịp định thần sau các tác động kinh tế xã hội của dịch, giảm lương, mất việc. Hơn nữa, hơn nữa học sinh phải học bù, không nghỉ hè đồng nghĩa một mùa hè bị đánh mất, cũng tức là nguồn thu nhập chính mùa hè của ngành hàng không du lịch bị thổi bay. Kịch bản đó hầu như khá chắc chắn.

Thất thu dịp Tết, mất đi mùa du lịch lễ và cùng lúc là thị trường du lịch mùa hè sôi động là ba cú bồi khá hiểm với ngành hàng không và du lịch Việt Nam. Mọi ánh mắt đang hướng về dịp lễ 2/9 hay xa hơn như cuối năm 2020 hoặc Tết Nguyên đán 2021. 

Cú trân mình chịu trận có thể kéo dài hơn 10 tháng trời – sự chịu đựng lâu dài nhất trong lịch sử của ngành kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa với thế giới bên ngoài năm 1986!

Ricky Hồ

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.