Dữ liệu cũ
Thứ hai, 12/10/2015, 16:00 PM

Việt Nam và TPP

(NTD) - Việc hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, mang lại những cơ hội mới đồng thời cũng có thách thức không nhỏ. Dưới đây là ghi nhận của PV Báo Người Tiêu Dùng về ý kiến một số nhà quản lý cùng chuyên gia trong vấn đề này.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Công ty CP chứng khoán KIS Việt Nam, chi nhánh TP.HCM:

Kết quả đàm phán tốt đẹp từ TPP sẽ kéo theo sự phát triển không những đối với các công ty trực tiếp mà còn đối với các công ty gián tiếp hưởng lợi. Những yếu tố thuận lợi đó sẽ góp phần tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn. Ngoài ra, tâm lý phấn khích hơn của nhà đầu tư sau bao nhiêu ngày chờ đợi sẽ thúc đẩy họ giải ngân nhiều hơn vào thị trường trong thời gian tới. Đây là giai đoạn đầu tư tốt với nhiều cơ hội đang mở ra phía trước. Vì vậy nhà đầu tư nên cân nhắc giải ngân mua dần những cổ phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh tốt, nhiều tiềm năng. Từ đây, các nhà đầu tư có thể tái cơ cấu danh mục để sở hữu các cổ phiếu chất lượng trong vùng giá hợp lý. Khi các yếu tố tích cực từ TPP bắt đầu phát huy tác dụng thì lúc đó giá cổ phiếu đã xác lập một mặt bằng giá mới, sẽ cao hơn bây giờ.

Trương Hiền Phương
 

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam:

"Ðây là một bước tiến mang ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu trong một thế giới đang trở nên không chỉ ngày càng kết nối mà còn phụ thuộc lẫn nhau. Là một ngân hàng luôn ủng hộ thương mại, HSBC chào đón Hiệp định TPP đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các dòng chảy thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á – nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực. Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép. Theo HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020. Phần còn lại phụ thuộc vào chính Việt Nam để có thể thực sự hưởng lợi từ hiệp định này. Tôi tin tưởng vững chắc rằng TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn”.

Phạm Hồng Hải
 

Ông Văn Đức Mười, TGĐ Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản Vissan:

TPP là một hình thức kinh tế có mức độ hợp tác với nhau rất khắt khe, đòi hỏi mỗi thành viên phải nỗ lực về sức cạnh tranh cao. Trong 12 nước đạt thỏa thuận TPP, mỗi nước có những ngành thế mạnh và cũng có những điểm yếu riêng. Đối với Việt Nam, nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi hiện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ với nông hộ chiếm tới 85%, chăn nuôi công nghiệp năng suất cao chỉ mới đạt 15%. Giá thành chăn nuôi cao hơn các nước châu Á đến 25%, so với châu Âu và các nước Bắc Mỹ 30%. Mặt khác, theo quy định của thế giới, chăn nuôi được kiểm soát theo chuỗi để giảm chi phí và đảm bảo kiểm soát tốt về chất lượng, dịch bệnh … chúng ta chưa làm được. Vì vậy, chăn nuôi là ngành dễ bị tổn thương nhất.

Nhưng tôi cũng lại thấy cơ hội ở trong TPP, đó chính là sức ép để chúng ta thay đổi.

Văn Đức Mười
 

 TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam:

Hiệp định TPP thiết lập các mối quan hệ giữa những nước tham gia TPP có thể kể đến như về chuẩn mực, thuế quan, sản phẩm, kỹ thuật. Do vậy, khi Việt Nam là nước có kim ngạch xuất khẩu lớn đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, nông sản… thì sẽ được hưởng lợi rất lớn từ hiệp định này. Một thuận lợi khác nữa là chúng ta sẽ có cơ hội tiếp cận cũng như học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật cao từ các nước tham gia TPP. Tuy nhiên, chúng ta sẽ có thể đối mặt với khó khăn trong ngành công nghiệp chẳng hạn như ôtô khi giá nhập khẩu sẽ khá cao.

Riêng về lĩnh vực bất động sản, chúng ta sẽ được hưởng lợi từ việc nhập khẩu vật liệu xây dựng với giá cả rẻ hơn. Điều này sẽ giúp giá thành của BĐS giảm xuống và trở nên cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 góp phần thu hút lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Sử Ngọc Khương
 

Bà Trần Anh Đào, Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE):

Hiệp định TPP được ký kết sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài tích cực đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Để gia tăng vốn hóa thị trường trong năm tới, HOSE đã có những đoàn công tác đến các tập đoàn, tổng công ty lớn để hướng dẫn niêm yết và hy vọng cuối năm nay đến đầu năm sau, HOSE sẽ đón nhận thêm nhiều công ty niêm yết mới. Lý giải nguyên nhân việc các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 665 tỷ đồng trong quý 3/2015, bà Đào cho biết, trong tháng 8, Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và NHNN phải điều chỉnh tỷ giá. Điều đó làm nhà đầu tư nước ngoài e ngại đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, chênh lệch mua bán chưa phải là quá lớn và với việc TPP được ký kết, tôi hy vọng sẽ duy trì sự cân bằng giữa mua và bán của chứng khoáng từ nay đến cuối năm.

Trần Anh Đào
 

Bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam:

Yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển của thị trường BĐS là dòng vốn. Dòng vốn bao gồm các quỹ đầu tư, các khoản cho vay của ngân hàng trong thời gian qua đã “đổ” vào Việt Nam khá nhiều để phát triển những khu đô thị, dự án BĐS chuẩn quốc tế. Trong thời gian tới, các chủ đầu tư của Singapore, Malaysia và Hàn Quốc đang bắt đầu lên kế hoạch phát triển, thiết kế và sẵn sàng khởi công các dự án lớn, trong khi chủ đầu tư Nhật Bản và các liên doanh đang tìm kiếm đất phát triển dự án và tăng cường chiến lược gia nhập thị trường Việt Nam. Chúng ta có thể thấy rằng khi đã hội nhập buộc nền kinh tế Việt Nam phải tuân thủ đúng các chuẩn mực về pháp luật, tăng trưởng, minh bạch và cạnh tranh với các nước khác trong khối. TPP buộc chúng ta phải thay đổi để thích ứng với môi trường cạnh tranh mới, đồng thời giúp nền kinh tế Việt Nam có tính cạnh tranh cao theo các chuẩn mực mới. Thời gian qua Chính phủ cũng đang xem xét việc miễn visa cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Sắp tới, Việt Nam cũng sẽ ban hành Luật Quốc tịch, trong đó tạo điều kiện tốt nhất để người nước ngoài có thể gia nhập quốc tịch Việt Nam theo đúng thông lệ quốc tế. Như vậy, hàng triệu Việt kiều và người nước ngoài sẽ được hưởng lợi từ quy định mở này và tạo ra một nguồn lực lớn cho thị trường BĐS trong nước.

Dương Thùy Dung
 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM:

TPP mở ra một giai đoạn mới về mặt kinh tế đất nước, tạo ra một nền tảng vững chắc khẳng định rằng Việt Nam thực sự bước vào một sân chơi mang tính toàn cầu. Trong đó, chúng ta phải tuân thủ một luật chơi cũng mang tính chuẩn mực toàn cầu, mặc dù vẫn phải chờ sự phê chuẩn của 12 nước thành viên tham gia. TPP sẽ thu hút được một nguồn vốn FDI dồi dào vào các ngành sản xuất. Song song đó, một số nước khác có khả năng sẽ chuyển cơ sở sản xuất kinh doanh sang Việt Nam để đạt được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của một nước thành viên khối TPP. Hội nhập sẽ tạo ra một sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Tuy nhiên, có cạnh tranh mạnh mẽ thì sẽ tạo ra những sản phẩm nhà ở có chất lượng, tập trung hơn cho khách hàng. BĐS không chỉ là phân khúc nhà ở mà còn phải nói đến phân khúc BĐS công nghiệp, logistics, cơ sở hạ tầng, bán lẻ… Mở cửa đón TPP, ngày càng có nhiều nhà đầu tư công nghiệp đến Việt Nam đầu tư, do đó nhu cầu về BĐS công nghiệp, khu chế xuất sẽ tiếp tục gia tăng. Từ đó số lượng chuyên gia, đội ngũ lao động có nhu cầu mua nhà ở sẽ tăng lên, từ nhà trung bình đến cao cấp, nghỉ dưỡng. Ngoài ra, nhu cầu về văn phòng chất lượng quốc tế cũng sẽ tăng mạnh khi các công ty đa quốc gia đặt cơ sở kinh doanh tại Việt Nam. BĐS liên quan đến dịch vụ như y tế, trung tâm thương mại, trường học cũng sẽ phát triển tốt.

Lê Hoàng Châu
 

Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Angia Investment:

Việc hoàn tất đàm phán Hiệp định TPP vào ngày 5/10 vừa qua sẽ có tác động rất lớn vào nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Những cam kết trong TPP về lĩnh vực đầu tư sẽ có tác dụng tích cực trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Có thể thấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn từ nước ngoài đã tích cực đầu tư vào Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, việc Quỹ đầu tư Creed Group cũng vừa ký cam kết đầu tư 200 triệu USD vào công ty An Gia Investment vừa qua cũng là một minh chứng cụ thể. Và với những chính sách mới từ TPP, vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam nói riêng và các nước trong Hiệp định nói chung. Tuy nhiên, Hiệp định TPP cũng mang lại sức ép cạnh tranh không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam. Ở đây có 2 vấn đề, khi áp dụng các chính sách tự do thương mại, chúng ta vừa phải cạnh tranh với các quốc gia khác, vừa phải cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước để có thể đón đầu nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài một cách hiệu quả. Và trong cuộc đua này, các doanh nghiệp phải thực sự chuyên nghiệp mới có thể tham gia.

Nguyễn Bá Sáng
 

TS. Lê Bá Chí Nhân, Chuyên gia kinh tế:

Gia nhập hậu TPP, Việt Nam sẽ tiếp cận thị trường một cách toàn diện, hàng hóa của các nước thành viên cũng được tiếp cận thị trường của nhau toàn diện và miễn thuế. Hình thành khung hiệp định trên cơ sở những thỏa thuận đã thực hiện trong khuôn khổ, gắn kết môi trường chính sách, năng lực cạnh tranh và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức như môi trường kinh doanh trong nước thiếu minh bạch và chưa thuận lợi. Hệ thống pháp lý và các quy định của Việt Nam nhìn chung kém phát triển hơn các đối tác khác của TPP, thiếu minh bạch, thiếu tính nhất quán và khó dự báo. Hệ thống quản lý hành chính khá phức tạp, phiền hà, và tốn nhiều thời gian là một trong những điểm yếu lớn nhất của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại Việt Nam đều có quy mô nhỏ và rất nhỏ, thiếu kinh nghiệm và yếu về khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong khâu quản lý chất lượng dịch vụ. Dịch vụ là mảng hoạt động thương mại mà mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam là hạn chế và dè dặt nhất. Đây cũng chính là điểm được cho là sẽ tạo ra bất lợi lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia TPP. Khó khăn trong việc thực thi các yêu cầu cao liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hoa Kỳ là đối tác có tiếng là cứng rắn trong những vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cả trong WTO lẫn trong các FTA của nước này.

Lê Bá Chí Nhân
 

 Nhóm Phóng viên

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.