Dữ liệu cũ
Thứ ba, 25/03/2014, 11:31 AM

Thị trường sản phẩm gia cầm, gia súc hồi phục

Sau một thời gian trầm lắng, đến cuối tháng 3 này, thị trường thực phẩm, nhất là thịt gia súc, gia cầm dần hồi phục. Khảo sát thị trường tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, sức mua ở các chợ, siêu thị tăng đáng kể. Người tiêu dùng đã quay lại mua các sản phẩm gia cầm sử dụng trong bữa ăn hằng ngày…

Người tiêu dùng lựa mua các sản phẩm gia cầm tại siêu thị.

Thịt gà không còn “vắng bóng” trong bữa ăn

Sáng 22-3, quầy thịt gà tại siêu thị Co.op Mart Xtra (Thủ Ðức) có rất đông người ghé vào lựa chọn. Từng gói thịt đùi gà góc tư, cánh gà, ức gà, chân gà… của những thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng như C.P, San Hà, Phạm Tôn, Bình Minh… được nhiều khách hàng lựa chọn. Một ký đùi gà góc tư đang có giá khoảng 80.000 đồng, cánh gà khoảng 85.000 đồng/kg. Chị Hải, nhà ở phường Linh Tây, quận Thủ Ðức chọn 2 kg đùi gà góc tư và 0,5 kg cánh gà của C.P. Chị cho biết, kể từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát, cũng như số đông gia đình khác, vì sợ lây nhiễm cúm A/H5N1 nên chị Hải không dám mua sản phẩm gia cầm về sử dụng nữa. Cách nay vài ngày, biết tin dịch cúm gia cầm đã được kiểm soát, nên gia đình chị lại dùng thịt gà như trước. “Mình vẫn còn lo ngại, không dám mua ở chợ mà vào siêu thị cho chắc ăn. Thịt gà ở siêu thị có nhãn mác, nhà sản xuất, nguồn gốc rõ ràng nên mình yên tâm hơn” – chị Hải tâm sự.

Tại siêu thị Co.op Mart ngã tư Thủ Ðức, chỉ trong vòng khoảng 30 phút buổi sáng thứ bảy, cứ mười xe đẩy hàng thì có đến năm, sáu xe có sản phẩm gia cầm. Trứng gà, trứng vịt, thịt vịt đều có đủ trên các xe đẩy của người mua hàng, nhưng sản phẩm được mua nhiều hơn cả vẫn là cánh và đùi gà công nghiệp. “So với thịt heo đang tăng giá khá mạnh thì thịt gà vẫn rẻ hơn nhiều”, bà Nghĩa, nhà ở đường Nguyễn Văn Việt, quận 9 giải thích vì sao bà chọn mua nhiều thịt gà như vậy. Theo đại diện siêu thị Co.op Mart, nhà phân phối bán lẻ lớn nhất tại thành phố, sức tiêu thụ sản phẩm gia cầm trong hệ thống này trở lại bình thường ở mức 60-70 tấn mỗi ngày.

Không chỉ siêu thị, tại các chợ lẻ trên địa bàn thành phố, qua khảo sát, chúng tôi cũng nhận thấy các sản phẩm gia cầm đang được tiêu thụ mạnh trở lại. Chị Thủy, tiểu thương chợ Tân Ðịnh, quận 1, cho hay: Sau khi cơ quan thú y công bố dịch cúm gia cầm được kiểm soát gần như cơ bản ở các tỉnh phía nam, thì vài ngày gần đây, sức tiêu thụ mặt hàng này đã tăng đáng kể, kéo theo mặt bằng giá nhích thêm 15-20%. Trước đây, gà tam hoàng bán rất khó, nhưng nay tăng thêm 15.000-20.000 đồng, lên trung bình 60.000 đồng/kg, chị Thủy cho biết thêm. Số lượng các mặt hàng khác như thịt vịt, gà công nghiệp, trứng gia cầm mà sạp của chị bán ra hằng ngày cũng tăng đáng kể.

Theo thông tin từ Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, lượng thịt gà đưa về thành phố tiêu thụ đã trở lại bình thường ở mức 120.000-130.000 con mỗi đêm. Tại trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn, quận Gò Vấp, các doanh nghiệp cho hay, lượng gà công nghiệp giết mổ tăng trung bình từ 40.000 con/đêm lên 60.000 con/đêm như trước khi dịch cúm bùng phát. Giá gà tam hoàng về đến lò mổ là 36.000 đồng/kg, tăng 6.000 đồng/kg so với giữa tháng 3; gà trắng công nghiệp cũng lên mức 33.500 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg. “Sức tiêu thụ ổn định trở lại, giá gà đang có dấu hiệu tăng, điều này khiến cho cả người kinh doanh lẫn người chăn nuôi phấn khởi” – ông Thắng, chủ lò mổ Long An cho biết.

Không chỉ mặt hàng gia cầm dần hồi phục, mấy tuần gần đây, sự phấn khởi cũng đến với người chăn nuôi heo. Giá heo hơi tăng 1.000-2.000 đồng, lên mức 51.000-52.000 đồng/kg, đẩy giá thịt bán lẻ ở các chợ tăng thêm 5.000-10.000 đồng, lên mức 85.000-100.000 đồng/kg tùy loại. Riêng với sườn non, thịt thăn, ba rọi rút xương tăng lên 120.000-150.000 đồng/kg. “Trong vòng hai năm trở lại đây, lần đầu giá heo hơi tăng lên mức hơn 50.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang rất phấn khởi” – chủ một trại chăn nuôi heo ở Củ Chi hồ hởi cho biết. Do tình hình thị trường thịt heo ở phía bắc tiêu thụ chậm, nên vài tuần gần đây còn có hiện tượng thương lái mua gom heo chở vào các tỉnh phía nam bán. Hiện, giá heo hơi ở các tỉnh phía bắc vẫn còn thấp hơn ít nhất 10.000 đồng/kg, nên việc thu mua heo từ ngoài bắc đưa vào phía nam tiêu thụ giúp cho thương lái kiếm được lợi nhuận khá hấp dẫn.

Hàng triệu con gia cầm an toàn

Giám đốc Trung tâm Thú y Vùng 6, TP Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Bình cho biết: Tình hình khống chế dịch cúm gia cầm đang có bước chuyển biến rất tốt. Từ ngày 12-3 đến nay, chỉ còn duy nhất tỉnh Bình Thuận xảy ra ổ dịch chưa qua 21 ngày. Còn các ổ dịch cúm ở khu vực miền đông, miền tây đều đã qua 21 ngày và hiện cơ quan thú y chưa phát hiện thêm trường hợp nào mới. Thời tiết ngày càng ấm cộng với hàng triệu con gia cầm đã được tiêm vắc-xin chính là nguyên nhân khiến cho các ổ dịch cũ được khống chế nhanh hơn, còn các ổ dịch mới cũng không phát sinh thêm vì đàn gia cầm đã có miễn dịch cao hơn trước. “Công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm vẫn đang được chú trọng, cơ quan thú y đang làm hết sức mình để đàn gia cầm được bảo vệ tốt nhất. Nhưng, từ thời điểm này, tôi có thể khẳng định đàn gia cầm đã an toàn, người dân có thể yên tâm sử dụng” – với kinh nghiệm chuyên môn của một nhà quản lý thú y, ông Bình đưa ra lời khuyên như vậy.

Thực tế, từ khi cơ quan thú y phát hiện ổ dịch cúm A/H5N1 đầu tiên hồi cuối năm ngoái, đến nay, chưa ghi nhận bất cứ trường hợp đàn gia cầm nào chết tại các trang trại quy mô công nghiệp. Theo ông Nguyễn Xuân Bình, dịch cúm chỉ xảy ra trên các đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ, thiếu sự kiểm soát của cơ quan thú y, không được tiêm phòng, sát trùng đầy đủ. Còn lại, số gia cầm nuôi ở các trang trại có quy mô hàng triệu con, tập trung ở các tỉnh miền đông và miền tây để cung cấp cho thị trường thành phố, hầu như không bị dịch. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh Huỳnh Tấn Phát cũng nhiều lần khẳng định, hàng trăm tấn thịt gia cầm đưa vào thành phố tiêu thụ mỗi ngày, kể cả ngay trong thời điểm có dịch, vẫn bảo đảm an toàn. Nay, việc các cơ quan thú y công bố khống chế được dịch cúm, thì người dân hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng sản phẩm gia cầm mà không phải lo ngại. “Chúng tôi vẫn tiếp tục giám sát bằng mọi biện pháp, thường xuyên lấy mẫu bệnh phẩm gia cầm để xét nghiệm nhằm bảo đảm 100% nguồn gia cầm đưa vào thành phố đạt chất lượng, an toàn dịch bệnh” – ông Phát khẳng định.

Như vậy, sau thời gian dài xảy ra tình trạng “đóng băng”, nay thị trường gia súc, gia cầm đã hồi phục trở lại. Ðàn gia cầm được kiểm soát an toàn dịch bệnh, không chỉ giúp người dân có thể yên tâm sử dụng, mà người chăn nuôi cũng phấn khởi vì sản phẩm chăn nuôi đã có đầu ra, giá cả ổn định, giúp họ có lợi nhuận để tái đàn, bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm cho xã hội. 

HOÀNG BẢY
Nguồn: Báo Nhân dân Online

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.