Văn hóa và Đời sống
Thứ ba, 02/07/2024, 14:10 PM

Như chưa hề có cuộc chia ly: ‘Em chẳng nhớ tên cha, tên mẹ, tên mình cũng chẳng nhớ’

41 năm thất lạc gia đình, chị Hồng khóc như mưa vì không tin mình còn được gặp gia đình, được gọi tiếng mẹ, tiếng cha…

Câu chuyện của chị Hồng trong tập 174 chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” lại là về một đứa trẻ thất lạc ở bến tàu, ga xe, khi cha mẹ đưa con rời đi đến một vùng đất mới để mưu sinh, rồi quay đi quay lại trong dòng người tấp nập, tay con đã tuột khỏi mình từ bao giờ.

“Tủi thân, người ta có cha, có mẹ, còn mình lạc lõng trên cõi đời này”

Chị Hồng hiện là công nhân may sống tại Dĩ An, Bình Dương. Chị lạc gia đình khi mới chỉ là một cô bé 4-5 tuổi. Các đội viên tìm kiếm của Như chưa hề có cuộc chia ly được nghe rất nhiều lần câu “Em không tin là em có thể tìm được gia đình” từ chị Hồng vì chị chẳng nhớ gì cả. 

Chẳng nhớ tên cha, tên mẹ là gì, đến tên hay tuổi của mình cũng không nhớ, nhưng chị Hồng lại nhớ rõ bản thân đi lạc vào khoảng 10 giờ sáng ngày 27/11/1981.

Chị Hồng, nhân vật chính của số 174 Như chưa hề có cuộc chia ly. Ảnh: Chụp màn hình

Chị Hồng, nhân vật chính của số 174 Như chưa hề có cuộc chia ly. Ảnh: Chụp màn hình

“Khi đó đi lạc thì mình bị tai nạn, được công an đưa vào phường thì có giấy tìm trẻ thất lạc của công an khi đó nên mình mới nhớ”, chị Hồng nói.

Chị Hồng học nghề may ở Trung tâm Trẻ em Tam Bình, đến năm 16 tuổi, chị làm đủ nghề nhưng thấy không ổn định nên chị lại quyết định học lại nghề may bằng máy may công nghiệp. Chị làm thợ may cho Triumph trong 17 năm, sau này khi có con thì chị nghỉ rồi làm cho mấy xưởng may nhỏ, thu nhập thấp hơn cũng không có chế độ nhưng có thời gian chăm sóc con cái.

“Đi làm ở đây lương thấp quá, giờ mình phải vay mượn nhà nước nữa cho con cái nó học, có gì mình làm mình trả dần.

Mình học tới lớp 9 thì nghỉ, nên con mình mình khuyên nó phải học, đừng để giống như ba mẹ, làm công nhân khổ lắm. Con học cỡ nào thì mình cũng ráng cho nó học”, chị Hồng chia sẻ.

Bạn Huỳnh Duy, con trai chị Hồng, cũng rất thương mẹ phải làm lụng cực khổ: “Em ngồi may như mẹ em chịu không nổi”.

Hiện tại chị làm nghề may cho các xưởng gia công nhỏ để nuôi các con ăn học. Ảnh: Chụp màn hình

Hiện tại chị làm nghề may cho các xưởng gia công nhỏ để nuôi các con ăn học. Ảnh: Chụp màn hình

Chị Hồng lấy chồng năm 20 tuổi. Chị chọn người có cha, có mẹ để mình có thể được gọi tiếng “cha ơi, mẹ ơi” như người thân trong gia đình. Chị gặp được chồng, mẹ chồng cùng những người chị yêu thương mình rất nhiều. Đây cũng là điều may mắn nhất mà chị Hồng nghĩ mình đã gặp được trong cuộc đời đơn côi không cha, không mẹ.

“Tủi thân, người ta có cha, có mẹ, còn mình lạc lõng trên cõi đời này. Từ lúc đi lạc tới lúc có gia đình, có con, mình thương yêu con mình hơn, không muốn con phải chịu cảm giác thiếu thốn tình cảm cha mẹ. Con cần gì mình cũng cố gắng đáp ứng cho con hạnh phúc

Mình cũng hay đi lễ chỉ để cầu mong có thể tìm được cha mẹ”, chị Hồng xúc động chia sẻ lại.

Nửa tháng ở đồn công an, nhưng điều kỳ tích không xảy ra

Theo những mảnh ký ức mơ hồ của chị Hồng, chị chỉ nhớ mình bị lạc cha mẹ ở bến xe cảng miền Tây, khi đó là một trong hai bến xe lớn nhất ở TP. HCM. Chị đòi theo mẹ đi mua đồ ăn, sau đó không biết tuột tay hay làm sao thì bị lạc mất.

Chị nhớ lạc từ sáng, tới chừng 10 giờ thì gặp tai nạn ở phường 12, quận 6. Người dân gọi công an tới đưa đứa trẻ đi lạc bị xe tông về phường. Khi công an hỏi, bé gái 4-5 tuổi khi ấy chỉ nhớ má có tên Năm, chẳng biết có phải tên thật hay tên thứ của má không, cũng không nhớ tên cha hay anh em trong gia đình. Tên Hồng của chị cũng là công an đặt cho, vì cô bé ấy đã hoảng loạn đến mức chẳng nhớ được cả tên của mình nữa.

Chương trình đưa chị Hồng quay trở lại bến xe cảng miền Tây khi ấy lúc chị lạc mất cha mẹ. Ảnh: Chụp màn hình

Chương trình đưa chị Hồng quay trở lại bến xe cảng miền Tây khi ấy lúc chị lạc mất cha mẹ. Ảnh: Chụp màn hình

Sau vụ tai nạn đó, công an cứ đưa đứa trẻ ấy lên phường rồi về nhà, thời gian cũng khoảng nửa tháng để chờ cha mẹ nào thất lạc con thì tìm đến. Mỗi ngày ngồi sau xe của chú công an tới phường, Hồng lại hy vọng cha mẹ sẽ tìm đến. 

Nhưng sau 15 ngày chờ đợi không một ai tới hỏi, công an mới làm giấy chuyển Hồng vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Thị Nghè, khi đó là nơi chăm sóc cho người già và trẻ khuyết tật. Ngày trở về, chị Hồng rưng rưng nước mắt, nói nơi mình đã từng sinh sống mấy năm trời giờ chẳng có gì thay đổi, cây xoài, cây điệp vẫn còn đó.

Còn với cô gái bé nhỏ 5 tuổi ngày ấy, khi đến trung tâm thì lúc nào cũng sẵn sàng và mong ngóng cha mẹ sẽ đến đón mình đi. 

“Lúc vào mình khóc quá trời, hôm nào cũng ra ngồi ở cổng chờ cha mẹ rước mình”, chị Hồng kể lại.

Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình - nơi chị Hồng từng sinh sống khi còn bé cho tới khi học xong nghề may. Ảnh: Chụp màn hình

Trung tâm bảo trợ trẻ em Tam Bình - nơi chị Hồng từng sinh sống khi còn bé cho tới khi học xong nghề may. Ảnh: Chụp màn hình

Sau này, vì là một đứa trẻ khỏe mạnh, Hồng giúp các sơ trong trung tâm chăm sóc trẻ bại não, khi ấy có tới mấy trăm bé, được các sơ rất quý mến.

3 năm sống ở trung tâm Thị Nghè, trái tim tan vỡ của Hồng cũng dần nguôi ngoai. Từ năm 1984, chị được cho đi học và gửi sang Trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi, cơ nhỡ Tam Bình.

Chị Trần Thị Hiên, hiện là nhân viên của Trung tâm Tam Bình, khi đó là người sống cùng chị Hồng, xúc động chia sẻ: “Hồng ít nói lắm, hiền, dễ thương. Hai chị em vẫn chơi với nhau từ đó tới giờ, năm nào cũng gặp nhau vào ngày dỗ mẹ vì cả hai có một người mẹ chung hồi đó”.

Chị Hiên chia sẻ lại thời gian sống cùng với Hồng như chị em trong gia đình. Ảnh: Chụp màn hình

Chị Hiên chia sẻ lại thời gian sống cùng với Hồng như chị em trong gia đình. Ảnh: Chụp màn hình

Sau khi học nghề may ở trung tâm Tam Bình, cô bé 5 tuổi ngày nào rồi cũng phải lớn lên, có gia đình và một cuộc sống bình dị như bao người, nhưng nỗi đau lạc mất cha mẹ vẫn âm ỉ chưa thể tan biến trong trái tim người phụ giờ đã ngoài 40 ấy.

Cả ngày đi tìm con, chỉ biết khóc

Nói về gia đình của chị Hồng, trở lại thời gian 40 năm về trước, ở vùng quê Giao Lạc, tỉnh Nam Định, có gia đình ông Lâm - bà Lái, mà người ta hay gọi là ông Nâm - bà Nái vì phương ngữ vùng này thường ngọng l - n. Bà Lái được gọi theo chồng, nên còn được gọi là bà Nâm. Đây chính là cái tên của má xuất hiện mơ hồ trong trí nhớ của cô bé Hồng khi ấy.

Bà Lái nói: “Không dám nhắc nhiều đến con nhưng trong tâm thì lúc nào cũng nhớ. Tại nghe kể mà sợ, chỉ mong ước được gặp lại con thì con khỏe mạnh, đừng tai nạn hay sống khổ cực, ăn mày, ăn xin như người ta nói”.

Những tấm ảnh chụp gia đình mình mà chị Hồng lần đầu tiên được nhìn thấy. Ảnh: Chụp màn hình

Những tấm ảnh chụp gia đình mình mà chị Hồng lần đầu tiên được nhìn thấy. Ảnh: Chụp màn hình

Bà kể lại lúc đưa con vào Nam sinh sống, giao lại con cho chồng trông nhưng khi quay lại thì mất Hồng. Hai ông bà chia nhau đi tìm, vừa đi vừa khóc. Nhờ loa phát thanh tìm con cũng không thấy. 

Bà kể: "Khi thấy tôi khóc, nói hoài, ổng đã nói: "Bà mà khóc, nói nhiều nữa thì tôi nhảy tôi chết ở đây cho bà coi", nghe vậy là thôi tôi không dám khóc, không dám đày hảy ông ấy một câu".

Đem theo 3 đứa con dại, giờ lại lạc mất một đứa, sợ các con khác cũng bị lạc, bắt cóc, bà và chồng quyết định đi chuyến xe cuối cùng trong ngày đến thị trấn Dầu Tiếng, Bình Dương, nơi chỉ cách chỗ ở của chị Hồng hơn 1 tiếng đi xe máy. Cuộc đời oái ăm đến thế, ông Lâm - bà Lái cũng đi tìm con ở đồn công an nhưng khi đó chị Hồng lại đi về hướng ngược lại, vì vậy tìm mãi mà không thấy nhau.

Giấy khai sinh của chị Hồng vẫn được gia đình lưu giữ. Ảnh: Chụp màn hình

Giấy khai sinh của chị Hồng vẫn được gia đình lưu giữ. Ảnh: Chụp màn hình

Hai ông bà ở Dầu Tiếng an cư cho đến nay đã là thế hệ thứ 3. Ông Lâm - bà Lái cuối cùng đã có cuộc sống đầy đủ sau nhiều năm bồng con rời quê hương lạc nghiệp, duy chỉ có một việc là dang dở đó là tìm lại đứa con gái thất lạc năm ấy. 

Nhờ gợi ý của người cháu, ông bà nhờ cha xứ loan tin trong các hệ thống nhà thờ, chỉ tiếc là tin lại không tới được Dĩ An - nơi chị Hồng đang sinh sống. Năm 2012, chỉ trước 2 năm ngày ông Lâm qua đời đột ngột vì bệnh tật, hai ông bà vẫn còn mải miết đi tìm con ở các trại SOS trong Sài Gòn.

Bà Lái kể, bà cùng chồng ngày đêm tìm con nhưng không thấy, tối ngày cứ khóc rồi cầm đài bên tai để nghe xem có ai trả con bị lạc không. Ảnh: Chụp màn hình

Bà Lái kể, bà cùng chồng ngày đêm tìm con nhưng không thấy, tối ngày cứ khóc rồi cầm đài bên tai để nghe xem có ai trả con bị lạc không. Ảnh: Chụp màn hình

"Mẹ cũng nói thay cho bố. Con phải xa cha xa mẹ cũng đã 41 năm. Bây giờ con có hiểu biết thì con cũng hiểu cho cha. Cha chết cũng 10 năm rồi. Nếu mà bây giờ cha còn sống chắc ổng cũng mừng hết biết", bà Hồng nhắn nhủ tới con thay người cha đã mất.

Khoảnh khắc gặp lại mẹ, chị Hồng chỉ biết khóc chứ không nói được gì. Hai mẹ con nhắn nhủ nhau “sao ở gần như vậy mà lại không tìm thấy nhau”. 

Khoảnh khắc trùng phùng khiến cả trường quay xúc động của mẹ con chị Hồng

Tên khai sinh của chị Hồng là Đinh Thị Hồng, sinh năm 1974. Chị Hồng khóc, không nghĩ mình thật sự tên là Hồng, vì trong tâm trí chị chẳng có ký ức gì về gia đình kể từ khi đi lạc năm đó.

Bà Lái nói trong nước mắt: “Cha tìm con không được nên cha đi rồi. Nhưng Chúa cho mẹ tìm được con là mẹ mừng”.

Người anh lạc em khi còn bé, nhớ từng được em bắt chấy cho cũng chỉ biết ôm em mà khóc. Chị Hồng gặp lại cả gia đình, xúc động vì lâu lắm rồi mới được về với vòng tay tình thân ruột thịt.

Cuối số 174, Như chưa hề có cuộc chia ly đưa tin tìm kiếm con gái của chú Mai Văn Được.

Chú Được cũng đăng ký tìm con với chương trình từ rất lâu, sau này gặp được chị Hồng vì nghe tả giống con mình, nhưng khi xét nghiệm ADN thì lại không phải. Thế nhưng, vợ chồng chú Được vẫn nhận chị Hồng là con nuôi và chị cũng gọi cô chú là cha mẹ nuôi từ đó.

Con gái chú lạc gia đình khi mới chỉ 3 tuổi. Chú Được kể: "Vợ chồng tôi có ba con gái, Ngọc Dung, Ngọc Ven và Ngọc Hà. Buổi sáng hôm đó khoảng 10h ngày 24-12-1974, Mai Ngọc Dung và Mai Ngọc Ven đi ra quán mua đồ nên không để ý Mai Ngọc Hà chạy theo sau lưng.

Đến khi mọi người trong gia đình không thấy đi tìm, khi đó có người mách đã nhìn thấy một người phụ nữ tầm 40 tuổi bồng bé đi".

Như chưa hề có cuộc chia ly vẫn đang tiếp nhận và xử lý hàng trăm ngàn những hồ sơ tìm kiếm con cái đi lạc, mất tích. Mong rằng nếu có ai nghi ngờ mình là con nuôi, muốn đi tìm lại cha mẹ và gia đình, hoặc những ai biết đến những câu chuyện mà chương trình đã lan tin tìm kiếm thì hãy liên lạc ngay về với chương trình.

Manh Lan

Bình luận

Nổi bật

Như chưa hề có cuộc chia ly: ‘Em chẳng nhớ tên cha, tên mẹ, tên mình cũng chẳng nhớ’

Như chưa hề có cuộc chia ly: ‘Em chẳng nhớ tên cha, tên mẹ, tên mình cũng chẳng nhớ’

sự kiện🞄Thứ ba, 02/07/2024, 14:10

41 năm thất lạc gia đình, chị Hồng khóc như mưa vì không tin mình còn được gặp gia đình, được gọi tiếng mẹ, tiếng cha…

Sao nam Việt đạt hơn 1.000 điểm trong tập 1 'Anh trai vượt ngàn chông gai': Sở hữu loạt BĐS giá trị, nhà ngay phố cổ Hà Nội giá hàng chục tỷ đồng

Sao nam Việt đạt hơn 1.000 điểm trong tập 1 'Anh trai vượt ngàn chông gai': Sở hữu loạt BĐS giá trị, nhà ngay phố cổ Hà Nội giá hàng chục tỷ đồng

sự kiện🞄Thứ ba, 02/07/2024, 14:08

Chồng là nghệ sĩ nổi tiếng, vợ có khả năng kinh doanh nhạy bén, gia đình nam ca sĩ có gia tài đồ sộ với xe hơi, nhà sang, hàng hiệu đắt đỏ.

Nhân viên ngân hàng chỉ cách xử lý đơn giản khi điện thoại không có tính năng quét NFC để xác thực dữ liệu sinh trắc học

Nhân viên ngân hàng chỉ cách xử lý đơn giản khi điện thoại không có tính năng quét NFC để xác thực dữ liệu sinh trắc học

sự kiện🞄Thứ ba, 02/07/2024, 14:07

Bằng cách đơn giản này, người dân có thể quét NFC CCCD để nhanh chóng hoàn tất cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng.