Thứ năm, 30/06/2022, 15:05 PM

Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI): Một số vấn đề tổng quan chung

(CL&CS)- Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) là thuật ngữ tương đối mới. Thuật ngữ này đề cập đến hệ thống phần cứng (hardware) và phần mềm (software) cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ của một nước.

1. Hạ tầng chất lượng (QI)

Hạ tầng chất lượng (Quality Infrastructure, QI) cung cấp nền tảng cần thiết cho sự phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia (hay nước) nào. Điều này không chỉ áp dụng đối với các nước phát triển, các nước đang phát triển cũng như các nước mới nổi.

Tuy nhiên, QI hầu như chỉ được các chuyên gia biết đến. Mặc dù có vai trò quan trọng đối với các nước đang phát triển, QI vẫn là một khái niệm “rất mơ hồ”, thường không được hiểu đầy đủ, rõ ràng. Trong thời gian gần đây, các tổ chức quốc tế (như: Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (United Nations Industrial Development Organization, UNIDO), các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực đo lường, tiêu chuẩn và công nhận…) đã thống nhất định nghĩa về QI, đồng thời phát triển một nội dung mới liên quan đến NQI.

Thông tin về sự phát triển của QI toàn thế giới được thể hiện thông qua Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (Global Quality Infrastructure Index, GQII). Chỉ số GQII nói riêng và cơ sở dữ liệu GQII nói chung đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu, nhà xây dựng chính sách các thông tin có giá trị về sản xuất và thương mại. Chỉ số GQII thể hiện các thông tin về QI của một nước trong bối cảnh đất nước và cho phép so sánh với các nước khác. Đồng thời, GQII cũng có thể so sánh dữ liệu QI với các bảng xếp hạng toàn cầu khác như Chỉ số mức độ phức tạp kinh tế (Economic Complexity Index, ECI).

GQII là một nền tảng dữ liệu mở và dữ liệu hợp tác về QI. Tập đoàn Mesopartner (Đức) và Analyticar (Argentina) đã khởi xướng tổ chức sáng kiến về GQII. Đây là một sáng kiến phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy sự phát triển của QI, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và các nước mới nổi. Nhằm thúc đẩy dữ liệu QI trên toàn thế giới, các chuyên gia QI từ các nước, khu vực và quốc tế, các nhà tư vấn, đại diện của các tổ chức quốc tế có liên quan đều được mời tham gia xây dựng chỉ số GQII[1]. GQII hướng các nước để đạt tới sự thống nhất về dữ liệu của QI trong điều kiện hiện nay.

GQII đang trở thành một “cơ sở dữ liệu độc lập” để thúc đẩy sự phát triển của QI. Đặc trưng quan trọng của GQII là tính chất lượng và tính minh bạch của dữ liệu, thông tin về QI. GQII cũng hỗ trợ giải quyết các vấn đề về chiến lược phát triển tương lai của QI. Tương tự với sáng kiến Kinh doanh thông minh (Business Intelligence, BI) (Chugh và Grandhi, 2013), một số quốc gia hiện nay cũng đang hình thành sáng kiến về QI thông minh (QI Intelligence).

2. Mối liên quan giữa QI và sự phát triển kinh tế

Theo cách hiểu thông thường, công thức tính GQII bao gồm các cấu phần của hệ thống QI (như: đo lường, tiêu chuẩn và công nhận). Hoạt động đánh giá sự phù hợp được thể hiện cụ thể trong các cấu phần này. Để tính GQII, nhóm nghiên cứu đã xác định các chỉ số chính để đánh giá hiện trạng phát triển QI của các nước. Từ đó, GQII đưa ra các số liệu về QI và các cấu phần của GQII cho 184 nước trên toàn thế giới, qua đó cho phép xếp hạng và đánh giá sự phát triển của QI tại từng quốc gia. [Ulrich Harmes-Liedtke, Juan José Oteiza. Global Quality Infrastructure Index Report 2020 title: Global Quality infrastructure index report 2020. March 2021. Project: Global Quality Infrastructure Index (GQII)].

Có thể thấy rằng, nghiên cứu của Ulrich Harmes-Liedtke và Juan José Oteiza về chỉ số QI bắt đầu từ năm 2011. Trên cơ sở đó, các tác giả đã xuất bản báo cáo đầu tiên về QI. Một trong các “phát hiện” quan trọng trong báo cáo là có mối tương quan chặt chẽ giữa sự phát triển QI với hiệu quả kinh tế (GDP bình quân đầu người), xuất khẩu (Export) và năng lực cạnh tranh (Competitiveness). Trong một nghiên cứu tiếp theo năm 2019, Harmes-Liedtke và Oteiza Di Mateo đã chứng minh, làm rõ mối tương quan này đối với chỉ số ECI. Chỉ số GQII của năm 2020 trong Hình 1.1 thể hiện một sự tương quan rõ ràng giữa QI và phát triển kinh tế.

Hình 1.1. Mối tương quan giữa GQII và ECI. [Nguồn: Trong nghiên cứu của Ulrich Harmes-Liedtke, Juan José Oteiza. Global Quality Infrastructure Index Report 2020, March 2021]

Hình 1.1. Mối tương quan giữa GQII và ECI. [Nguồn: Trong nghiên cứu của Ulrich Harmes-Liedtke, Juan José Oteiza. Global Quality Infrastructure Index Report 2020, March 2021]

Chỉ số ECI dựa trên số liệu thương mại và đo lường mức độ phát triển của một nước dựa trên hàm lượng tri thức trong các sản phẩm xuất khẩu. Chỉ số này có ý nghĩa dự báo về tăng trưởng kinh tế (Hausmann et al, 2013), giải thích sự khác biệt về bất bình đẳng thu nhập giữa các nước (Hartmann và Hidalgo, 2017).

GQII và ECI có mối tương quan tuyến tính chặt chẽ (r = 0,79; p = 0,0001). Điều này chứng minh mối quan hệ chặt chẽ giữa hoạt động xuất khẩu của một nước và QI của nước đó.

Chỉ số GQII cao hơn ở các nước có hàm lượng tri thức cao trong các sản phẩm xuất khẩu. Các nước này chiếm phần lớn tỷ trọng thương mại xuất khẩu của thế giới.

Hình 1.1 thể hiện về kích thước tăng dần của các “chấm”, đại diện cho từng quốc gia khi nhìn vào “đám mây chấm” từ trái sang phải. QI càng cao thì năng lực xuất khẩu càng cao, giá trị gia tăng của các sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng tri thức càng cao.

3. Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) trong bối cảnh mới

Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) là thuật ngữ tương đối mới. Thuật ngữ này không có nghĩa là chất lượng của các hạ tầng vật lý như: đường xá, bến cảng hoặc lưới điện… Mặc dù các cấu phần của NQI gồm đo lường, tiêu chuẩn, công nhận và hoạt động đánh giá sự phù hợp cũng có rất nhiều đóng góp quan trọng để đảm bảo chất lượng của hạ tầng vật lý, tuy nhiên, phạm vi của NQI rộng hơn rất nhiều. Thuật ngữ này đề cập đến hệ thống phần cứng (hardware) và phần mềm (software) cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ của một nước.

NQI bao gồm một hệ thống kiểm soát các tiêu chí chất lượng. Các cấu phần chính của hệ thống NQI là:

Cấu phần thứ nhất là tiêu chuẩn hóa. Tiêu chuẩn hóa bao gồm các quy trình cần thiết để xây dựng, công bố và phổ biến áp dụng các tiêu chuẩn nhằm nâng cao tính phù hợp của sản phẩm, quy trình và các dịch vụ, qua đó tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, chuyển giao công nghệ, hạn chế các rào cản thương mại (Kellermann, 2019). Mỗi nước đều có một cơ quan tiêu chuẩn quốc gia (National Standards Body, NSB) được công nhận, đại diện cho quốc gia đó trong ISO.

Cấu phần thứ hai là đo lường. Đo lường là hoạt động khoa học và ứng dụng về đo lường nhằm xác định (về mặt lý thuyết và thực nghiệm) các yếu tố “không chắc chắn” trong hoạt động khoa học và công nghệ. Đo lường bao gồm các đơn vị đo lường được quốc tế công nhận, việc thực hiện các chuẩn đo lường và đảm bảo liên kết chuẩn quốc tế của các phép đo... Mỗi nước đều có một NMI được công nhận. NMI có vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống đo lường của một nước. NMI thực hiện các hoạt động về đo lường, duy trì các chuẩn đo lường quốc gia ... Không phải tất cả các nước đều có NMI. Một số nước có NMI và các cơ sở chuyên môn để lưu giữ các chuẩn đo lường riêng

Cấu phần thứ ba là công nhận. Công nhận là chứng nhận hoặc tuyên bố chính thức của một bên thứ ba độc lập (cơ quan công nhận) về tổ chức đánh giá sự phù hợp có đủ năng lực để thực hiện các dịch vụ. Cơ quan công nhận quốc gia (National Accreditation Body, NAB) là một tổ chức chứng nhận năng lực và tính khách quan của các tổ chức đánh giá sự phù hợp, theo các tiêu chuẩn quốc tế như ISO/IEC. Một số nước có nhiều hơn một cơ quan công nhận.

Cấu phần thứ tư là hoạt động đánh giá sự phù hợp. Hoạt động đánh giá sự phù hợp đảm bảo rằng các yêu cầu cụ thể của sản phẩm, quá trình, hệ thống, con người hoặc tổ chức được đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu trong các hoạt động đánh giá sự phù hợp ISO/IEC 17000. Các yêu cầu được nêu rõ trong tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Hoạt động đánh giá sự phù hợp bao gồm thử nghiệm (testing), giám định (inspection), kiểm định (verification), chứng nhận (certification). Các tổ chức đánh giá sự phù hợp (Conformity Assessment Bodies, CAB) khác nhau có thể thực hiện các hoạt động đánh giá sự phù hợp khác nhau. CAB có thể có hình thức hoạt động và quyền sở hữu khác nhau. CAB có thể là các tổ chức thương mại hoặc phi lợi nhuận; có thể là cơ quan của Chính phủ, các cơ quan tiêu chuẩn quốc gia, hiệp hội thương mại, tổ chức người tiêu dùng hoặc tư nhân.

Hình 1.2 cho thấy các cấu phần của hệ thống NQI. Các cấu phần riêng thực hiện tương tác và tạo thành một hệ thống tổng thể. Sự công nhận quốc tế được thể hiện bằng tư cách thành viên (Membership) trong các tổ chức quốc tế (ở bên phải), đối tượng tham gia NQI tạo thành một chuỗi giá trị (ở bên trái). NQI tạo ra sự tin tưởng giữa đối tác thương mại và thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ.

         

Hình 1.2: Hệ thống NQI [Tác giả xây dựng dựa trên nguồn tham khảo của PTB]

Hình 1.2: Hệ thống NQI [Tác giả xây dựng dựa trên nguồn tham khảo của PTB]

                                                                                                                                                                  NQI được coi là nền tảng cơ bản của thương mại quốc tế. NQI là tiền đề để các nước đang phát triển tiếp cận thị trường quốc tế theo nguyên tắc hiện đại. Mặc dù nhiều sản phẩm và dịch vụ được sản xuất ở các nước đang phát triển có thể có chất lượng cao nhưng vẫn rất khó để các nước đó “tiếp thị” sản phẩm và dịch vụ ra quốc tế nếu NQI không hoạt động hiệu quả và bảo đảm các thông lệ quốc tế. Tương tự như các hạ tầng vật lý khác, việc xây dựng và phát triển NQI được coi là nhiệm vụ của các cơ quan của Chính phủ. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, các hoạt động NQI khác nhau được cung cấp bởi tổ chức tư và các tổ chức phi lợi nhuận.

4. Hợp tác NQI ở các nước đang phát triển

NQI là một chủ đề mới đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển hợp tác quốc tế của các nước. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank Group, WBG) cho thấy các nước luôn dành sự quan tâm ngày càng cao về hợp tác NQI. [https://iaf. news/2020/06/30/quality-infrastructure-qi-a-rising-topic-for-development/].

Khảo sát 14 đối tác hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 3 năm 2020, WBG đã nhận được phản hồi từ 7 bên với tổng tài trợ hàng năm (theo số liệu phản hồi) là 253 triệu đô la Mỹ.

Các bên phản hồi đã ủng hộ, hỗ trợ các chương trình NQI tại 143 Quốc gia. Các khu vực được hưởng hỗ trợ từ các chương trình NQI là Nam Á (86%), Châu Phi (79%), Đông Á-Thái Bình Dương (71%), Châu Mỹ Latinh và vùng Caribe (57%), Trung Đông-Bắc Phi (50%) và Đông Trung Á (50%). Trong đó, các hỗ trợ trong lĩnh vực tiêu chuẩn của NQI chiếm vai trò chủ đạo (79%), tiếp theo là đo lường (64%), công nhận (64%), quy chuẩn kỹ thuật (64%), các hiệp định TBT (64%), giám định (57%), chứng nhận (57%), thử nghiệm (50%) và thanh tra, kiểm tra (43%).

Về hoạt động hỗ trợ, các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực được hỗ trợ nhiều nhất (93%), trong khi các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ tư vấn nhận được 86% hỗ trợ. Các chương trình hỗ trợ khác bao gồm hỗ trợ tài chính (cho vay hoặc trợ cấp, 57%), kiến thức, phân tích và nghiên cứu chẩn đoán (57%), hạ tầng (29%).

Các nước có thu nhập trung bình và thấp ngày nhận được nhiều hơn các cơ hội hỗ trợ để phát triển NQI. Trong quá trình thực hiện các chương trình hỗ trợ NQI của WBG, Chính phủ các nước đã từng bước nhận ra được tầm quan trọng về việc phát triển các dịch vụ của NQI theo hướng hiệu quả, thiết thực và được quốc tế công nhận.

Đối với Chính phủ, NQI có vai trò củng cố các chính sách thương mại và công nghiệp có liên quan, đồng thời giúp đảm bảo việc tuân thủ chặt chẽ các quy định kỹ thuật, các biện pháp bắt buộc. Đối với doanh nghiệp, NQI sẽ giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả chi phí sản xuất, tăng năng suất, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, qua đó cho phép các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đối với người tiêu dùng, NQI có vai trò giúp đảm bảo sức khỏe, an toàn cộng đồng, môi trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các sản phẩm và dịch vụ thuộc lĩnh vực y tế nhận được sự quan tâm và tập trung thúc đẩy ở các nước. Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa các đối tác thương mại dựa trên nền tảng NQI là tiền đề quan trọng giúp Chính phủ các nước cung cấp sản phẩm y tế, thực phẩm an toàn, hiệu quả và bền vững./.

Chú thích: [1] Các tác giả có kiến thức chuyên sâu về QI; các tác giả thường xuyên liên lạc với các đại diện của QI các tổ chức, các hiệp hội quốc tế và khu vực, và các cơ quan tài trợ hợp tác quốc tế. Đồng thời, với tư cách là các chuyên gia độc lập, các tác giả có cái nhìn khách quan để mô tả sự phát triển QI một cách độc lập.

Nhóm tác giả: Minh Hiệp, Anh Vũ, Phương Linh, H.N.Minh, N.T.N.Minh- Tổng cục TĐC

Bình luận

Nổi bật

Hà Nội lên kế hoạch quản lý chất lượng không khí

Hà Nội lên kế hoạch quản lý chất lượng không khí

sự kiện🞄Thứ sáu, 12/04/2024, 20:20

(CL&CS)- Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội - Hợp tác và Hành động” kêu gọi sự hợp tác cải thiện chất lượng không khí...

Nâng cao kiến thức về hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Nâng cao kiến thức về hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

sự kiện🞄Thứ sáu, 12/04/2024, 20:19

(CL&CS) - Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức Hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức về hoạt động sáng kiến năm 2024 cho gần 100 đại biểu trên địa bàn tỉnh.

Hà Tĩnh: Tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng

Hà Tĩnh: Tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng

sự kiện🞄Thứ năm, 11/04/2024, 07:49

(CL&CS) - Sở Xây dựng Hà Tĩnh vừa ban hành Văn bản số 1068/SXD-QLHĐXD, về việc đánh giá năng lực các tổ chức hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.