Sản xuất và xuất khẩu tôm nửa cuối tháng 9/2021 đã có dấu hiệu tích cực hơn, nhất là tại một số tỉnh trọng điểm về tôm như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nhờ các tỉnh chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh tốt, doanh nghiệp vừa nỗ lực chống dịch vừa cố gắng duy trì sản xuất.
Tại Sóc Trăng, từ giữa tháng 8/2021, sau 4 tuần tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, các doanh nghiệp trong tỉnh được đưa đón lao động từ các vùng xanh, số lao động đi làm tăng dần theo tình hình phòng chống dịch của tỉnh ngày càng có kết quả khả quan hơn. Đến giữa tháng 9/2021, tỉnh Sóc Trăng công bố trở lại bình thường, lực lượng lao động tại các nhà máy cũng tăng cao hơn.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 9/2021, xuất khẩu tôm Việt Nam giảm 20% đạt 308,5 triệu USD. Tốc độ giảm đã thấp hơn so với tháng 8/2021. Xuất khẩu tôm sang một số thị trường đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ: xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong tháng 9/2021 đã tăng 8% so với cùng kỳ, xuất khẩu sang EU trong tháng 9 đã ghi nhận đà giảm thấp hơn so với tháng 8, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng 4%. Xuất khẩu sang các thị trường còn lại trong top 10 thị trường chính vẫn giảm mạnh trong tháng 9.
Tính đến hết tháng 9/2021, xuất khẩu tôm đạt 2,76 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ trong đó tôm chân trắng tăng 10% đạt 2,13 tỷ USD, trong khi tôm sú giảm 1,7% đạt 422,5 triệu USD. Trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 77,2%, tôm sú chiếm 15,3%, còn lại tôm biển với 7,5%.
Trong số các sản phẩm tôm chân trắng và tôm sú xuất khẩu tính tới tháng 9 năm nay, duy nhất giá trị xuất khẩu tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (HS 03) tăng 20%, các sản phẩm còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu các sản phẩm tôm chân trắng có giá cả vừa phải tăng cao trong mùa dịch bệnh Covid-19.