Trong khi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng, xuất khẩu cá ngừ của các nước đối thủ như Thái Lan, Indonesia và Ecuador giảm.
Theo VASEP thì năm qua, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ không ổn định, tăng giảm thất thường so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng hiện Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn nhất của Việt Nam, với tỷ trọng giá trị chiếm hơn 44% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.
Hiện xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng tốt trong tháng 11/2021, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2020, đạt hơn 37 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm lên gần 297 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 do dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ chỉ giảm nhẹ trong tháng 8 và 9, sau đó đã nhanh chóng phục hồi trong tháng 10 và 11.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Mỹ vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu cá ngừ đông lạnh và chế biến/đóng hộp hàng đầu của các doanh nghiệp Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2020, hiện xuất khẩu cá ngừ tươi và đông lạnh của Việt Nam sang Mỹ tăng 47%, trong khi xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp giảm 15% so với cùng kỳ.
VASEP cũng cho biết, hiện Mỹ đã mở cửa, nhu cầu tiêu thụ tăng đáng kể ở cả kênh Horeca… Tuy nhiên, do lượng tồn kho cao đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu nhóm sản phẩm cá ngừ đóng hộp này tại các thị trường trong năm nay. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển đường biển, giá thép hộp, giá dầu thực vật tăng cao cũng đang làm cho nhu cầu nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp giảm.
Bên cạnh đó, do lạm phát và nhu cầu cầu tăng cao trong năm đại dịch 2020 nên năm 2021 doanh số bán thủy sản bảo quản và chế biến trong đó cá ngừ giảm, điều này cũng ảnh hưởng tới nhập khẩu cá ngừ của Mỹ.
Dự kiến, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong năm 2021 ước đạt khoảng 330 triệu USD.