Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo công bố Báo cáo "Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ Sở hữu trí tuệ (SHTT) hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế và chuyển đổi số ở Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, mặc dù Báo cáo đã chỉ ra được các quy định hiện hành của Việt Nam đã cơ bản phù hợp với các quy định về thực thi quyền theo các điều ước quốc tế, tuy nhiên, c trạng thi hành Luật sở hữu trí tuệ phần nào cho thấy sự quan tâm chưa đúng mức của khối doanh nghiệp, các trường đại học và viện nghiên cứu đối với lĩnh vực này.
Cụ thể, về việc xử lý các tranh chấp phát sinh đối với quyền sở hữu trí tuệ, nhiều vụ việc đã được xử phạt hành chính, tập trung chủ yếu ở hàng nhái, hàng giả về nhãn hiệu hoặc vi phạm kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, số tiền xử phạt hành chính tương đối thấp và chưa thực sự đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật sở hữu trí tuệ cần phải hướng tới mục tiêu giúp tiếp cận, nắm bắt được các xu hướng hội nhập đang diễn ra trên thế giới, đặc biệt là xu hướng hợp tác về kinh tế số.
Mặc dù mới hình thành từ năm 2020, các hiệp định hợp tác về kinh tế số đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ các quốc gia. Thực tế, Việt Nam chưa tham gia các hiệp định hợp tác về kinh tế số, tuy nhiên, cũng cần suy nghĩ đến việc sửa Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng “đón đầu” xu hướng hợp tác quốc tế này để chủ động có những chuẩn bị cần thiết.
Song song với đó, Việt Nam cần lưu tâm đến bảo vệ cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích xã hội, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với thực tiễn của một nền kinh tế đang phát triển.
Tại Hội thảo, ông Dương cũng đã đưa ra 4 nhóm kiến nghị chính sách đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, như sau:
Thứ nhất, cách tiếp cận đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ cần hướng tới nội luật hóa sớm hơn và cao hơn so với các cam kết quốc tế để tạo động lực cho doanh nghiệp và thích ứng với môi trường chuyển đổi số.
Thứ hai, cần nâng cao năng lực và ý thức bảo hộ Sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (đặc biệt là ở nước ngoài).
Thứ ba, cần vận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc xử lý dân sự các tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ để giảm chi phí cho doanh nghiệp và cá nhân.
Thứ tư, cần đấy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý sở hữu trí tuệ. Cần tính đến khả năng hợp nhất một số cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan này.