Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Gia Lai, ông Trần Anh Tuấn nhận định: Chuỗi sự kiện đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và các cá nhân khởi nghiệp. Đây là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước hiểu sâu hơn về ĐMST mở, tiếp thêm động lực để thay đổi và cởi mở với những điều mới; hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước chủ động xây dựng năng lực cần thiết để lãnh đạo tổ chức phát triển theo hướng ĐMST.
Mô hình “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông” hướng tới sự đổi mới, sáng tạo để thu hút du khách. Ảnh: T.D
Đồng thời, lan tỏa tinh thần, kỹ năng và thúc đẩy năng lực ĐMST mở; định hướng và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trên con đường lập nghiệp, khởi nghiệp ĐMST.
Bàn về thực trạng và giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Gia Lai, Thạc sĩ Trương Xuân Phú-Phó Trưởng phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở KH-CN) cho rằng: Trong khoảng 3 năm trở lại đây, các hoạt động khởi nghiệp ĐMST đã thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Trong đó, một số hoạt động đang triển khai có hiệu quả như: chuỗi sự kiện về khởi nghiệp ĐMST; ngày hội khởi nghiệp ĐMST; cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Gia Lai; phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm sản phẩm OCOP; Câu lạc bộ Khởi nghiệp trẻ và sáng tạo Pleiku… “Tuy nhiên, để xây dựng và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST bền vững, chúng ta cần hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các thành tố cấu thành trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST”-Thạc sĩ Trương Xuân Phú nêu giải pháp.
Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Nam Hải thông tin: Hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST đang được các ngành, địa phương quan tâm. Nhờ vậy, làn sóng khởi nghiệp đã lan rộng và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng. Với mục đích tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh ngày càng năng động, hiệu quả, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, nghị quyết, kế hoạch với nhiều mục tiêu, nội dung triển khai thực hiện cụ thể.