Xây dựng thương hiệu nông sản vùng Đông Nam Bộ

(CL&CS) - Nông sản vùng Đông Nam Bộ có nhiều tiềm năng, lợi thế để. xây dựng thương hiệu, nhằm tạo ra nội lực mềm, góp phần khẳng định bản sắc, vị thế trên thị trường thế giới.

Trồng sầu riêng tại Đồng Nai đã được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu. Ảnh: N.H

Sản lượng lớn, chất lượng cao nhưng chưa có thương hiệu

Tại hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu vùng Đông Nam Bộ được tổ chức mới đây, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nêu lên một thực tế đáng quan ngại là hầu hết sản phẩm vùng Đông Nam Bộ chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu qua trung gian hoặc gia công cho thương hiệu nước ngoài. Rất ít sản phẩm có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình.

Nhiều DN thừa nhận nguyên nhân của tình trạng này là do nội lực yếu, chưa tập trung cho xây dựng thương hiệu, chưa định rõ hành lang pháp lý cần thực hiện để bảo vệ thương hiệu tại thị trường nhất là thị trường nước ngoài. Các DN trong vùng vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ để hình thành trung tâm sản xuất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng Đông Nam Bộ.

Theo đó, nông sản là một trong số những mặt hàng chủ lực của Đông Nam Bộ có nhiều tiềm năng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu vùng. Lợi thế về đất đai đã giúp hình thành nên nhiều vùng trồng cây ăn quả, cà phê, hồ tiêu… có sản lượng lớn và chất lượng tốt. Thời gian qua, các tỉnh thành tại Đông Nam Bộ đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản theo hướng tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, đảm bảo ổn định đầu vào đầu ra cho các sản phẩm mang nhãn hiệu… Tuy vậy, nông sản vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa có nhiều thị trường xuất khẩu tương xứng với tiềm năng phát triển của vùng.

Từ góc độ DN, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM chỉ ra rằng, những hạn chế về cơ sở hạ tầng logistics, kho lạnh, kho bảo quản tại Đông Nam bộ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu trữ, bảo quản, vận chuyển nông sản, lương thực thực phẩm, làm giảm giá trị sản phẩm. “Chính phủ và các địa phương, kể cả TPHCM chưa có các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào các dự án này, trong khi DN không đủ sức tự thân vận động” – bà Chi cho biết.

Cần sự vào cuộc của Chính phủ

Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, trong giai đoạn mới, thương hiệu chính là nội lực mềm cho sự phát triển của các DN vùng Đông Nam Bộ. Việc xây dựng thương hiệu Đông Nam Bộ không đơn thuần là dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của DN Việt trong chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.

Chính vì vậy, các địa phương trong vùng cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trồng tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương. Đồng thời, cần định hướng đầu tư sản phẩm tiêu dùng mang thương hiệu quốc gia, thậm chí toàn cầu. Nghĩa là có chính sách đầu tư dài hạn các sản phẩm mang tính thương hiệu quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Các tỉnh, thành cần có sự thúc đẩy phát triển đồng bộ các ngành cung ứng hậu cần, thương mại điện tử và số hóa, hiện đại hóa, tập trung vào sản xuất, lưu thông, phân phối hàng Việt với các thị trường quốc tế. Ứng dụng công nghệ Blockchain để minh bạch hóa thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất, và tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Điều này đặc biệt hữu ích cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm, và sản phẩm tiêu dùng khác, giúp tăng cường niềm tin và uy tín của thương hiệu.

“Điều này cần vào cuộc của Chính phủ, các cơ quan chuyên trách, các tỉnh, thành và chính các DN trong vùng gắn với tầm nhìn của lãnh đạo DN. Qua đó, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, thành, DN tạo ra quy mô sản xuất lớn hơn, giá trị cao hơn . Bên cạnh đó, các cấp, bộ, ngành cần hỗ trợ DN cần đẩy mạnh mạng lưới kênh phân phối chất lượng nhằm hạn chế sự xâm phạm nhãn hiệu, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng trong và ngoài nước” – bà Duyên đề xuất.

Bà Lý Kim Chi cũng kiến nghị cần có cơ chế phù hợp để các DN tại TPHCM mở rộng đầu tư tại các tỉnh. Bởi hiện tại các thương hiệu lớn của ngành lương thực thực phẩm đều tập trung tại TPHCM, nhưng vùng nguyên liệu chủ yếu nằm ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Trong khi việc xây dựng vùng nguyên liệu đến nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của DN. Cùng với đó là cơ chế, chính sách hỗ trợ DN đầu tư hạ tầng logistics, kho lạnh, kho bảo quản nông sản, thực phẩm.

Liên quan đến vấn đề này, bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM cho rằng, để xây dựng được các trung tâm logistics, cần sự vào cuộc của Chính phủ và các địa phương. Bởi hiện chi phí đầu tư ở mức rất cao, trong khi lợi nhuận lại thấp, DN không đủ nguồn lực để có thể đầu tư bài bản. Bà Phương cũng đề xuất hình thành trung tâm logistics tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, Trung Quốc… để hỗ trợ hàng hóa, nông sản Việt Nam tại các thị trường này.

TIN LIÊN QUAN