Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu 17.500 tỷ đồng

(CL&CS) - Năm 2022, Xây dựng Hòa Bình đã thông qua kế hoạch doanh thu 17.500 tỷ đồng và lãi ròng 350 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cổ đông cũng thông qua kế hoạch phát hành 74 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.

Trong quý 1, Hòa Bình đạt doanh thu khoảng 2.900 – 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 10 – 20 tỷ đồng.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã: HBC), Tổng Giám đốc Lê Viết Hiếu cho biết, doanh thu quý 1 đạt khoảng 2.900 – 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 10 – 20 tỷ đồng. “Quý đầu năm vướng tháng Tết nên chi phí vẫn trả nhưng chưa ghi nhận doanh thu. Dẫn đến con số khá thấp", ông nói thêm.

Theo ông Hiếu, tính đến thời điểm hiện tại thì HBC đã trúng thầu giá trị đạt 50% kế hoạch chỉ tiêu trúng thầu. Tổng giá trị hợp đồng backlog năm 2021 đạt 16.000 tỷ đồng. Do đó, kế hoạch kinh doanh 2022 là hoàn toàn khả thi.

Đối với mảng dân dụng, bất động sản nhà ở sẽ phát triển trở lại do chính sách phá băng bất động sản và nguồn vốn FDI cho phân khúc hạng sang đến siêu sang rất lớn nhằm thỏa mãn sự khan hiếm về nguồn cung của thị trường và sự tăng giá của thị trường

Về mảng công nghiệp, với những thành công bước đầu khi Tập đoàn quay lại với mảng công nghiệp nhẹ, bất động sản công nghiệp, Ban lãnh đạo Tập đoàn tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển giá trị trong thị trường công nghiệp chế biến, chế tạo theo làn sóng dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam. Tập đoàn tiếp tục là đối tác tin cậy của các nhà phát triển bất động sản công nghiệp – logistic với tiềm năng thị phần tăng 300 lần trong 10 năm tới.

Năm nay, HBC đã thông qua kế hoạch doanh thu 17.500 tỷ đồng và lãi ròng 350 tỷ đồng. 

Chia sẻ thêm, Chủ tịch HBC Lê Viết Hải cho biết: “Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 17.500 tỷ đồng (năm 2022). Tiến đến mục tiêu 10 năm (năm 2032), HBC sẽ đạt doanh thu 437.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt tỷ trọng 5% doanh thu, tương ứng gần 22.000 tỷ đồng”.

Chủ tịch Lê Viết Hải gửi thông điệp: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức, trên chặng đường phía trước chắc chắn vẫn còn nhiều chông gai nhưng đó sẽ luôn là động lực giúp Hòa Bình vững vàng vượt qua những giới hạn của chính mình để tiếp tục làm nên những kỳ tích".

“Hòa Bình sẽ đi từ số 1 ở thị trường xây dựng nội địa đến đẳng cấp hàng đầu ở thị trường toàn cầu”, ông Hải nói thêm.

Trả lời cổ đông về vẫn đề mở rộng sang thị trường nước ngoài vẫn chưa thành, ông Hải cho biết 2 năm qua do đại dịch đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung. Các dự án bất động sản từ nghỉ dưỡng, dân dụng… nói chung tạm ngưng. Do đó, HBC phải ngưng rót vốn cho các dự án để bảo tồn vốn.

Hiện, dự án tại Canada thì không riêng HBC mà nhiều bên khác cùng tham gia. Và ảnh hưởng của đại dịch nên các đối tác rút, từ đó làm chậm tiến độ và bị rút giấy phép. HBC và các bên còn lại đang xin cấp lại giấy phép dự án này. Đây là nguyên nhân chậm trễ các dự án HBC tham gia ở nước ngoài.

Đến nay, HBC cũng đã có Chiến dịch tháng Hội nghị, nhằm thống nhất và lấy ý kiến của toàn thể nhân viên. Như vậy, toàn Tập đoàn đồng lòng cũng đi ra nước ngoài. Bởi từ năm 2022, nhìn từ quá khứ thì HBC đặt mục tiêu tăng 5 lần trong 5 năm tiếp theo: Tức đạt 437.000 tỷ doanh thu và 21.875 tỷ đồng. Những con số này được tính dựa trên con số năm 2022 nhân lên 5 lần.

“Để đạt được các mốc trên HBC không thể không ra nước ngoài” – ông Hải khẳng định.

Về phương án chào bán 74 triệu cổ phiếu, Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết đã có nhà đầu tư Nhật Bản muốn mua lại 5 triệu cổ phiếu trong tổng 74 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ sắp tới với giá 32.500 đồng/cp. Hiện cp HBC giao dịch quanh vùng 19.450 đồng/cp.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư trong nước cũng quan tâm và muốn tham gia với giá chào cao. Tuy nhiên, hai bên chưa có thoả thuận chính thức.

Các nhà đầu tư trong nước là các nhà phát triển bất động sản có nhiều dự án lớn muốn hợp tác chiến lược với HBC.

TIN LIÊN QUAN