Ngày 15/6, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chỉ đạo, Thanh tra Bộ kết hợp chặt chẽ với các đơn vị như Tổng cục Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu, Cục quản lý Tài nguyên nước, Viện chiến lược chính sách TN&MT để xây dựng Nghị định.
Hình minh họa
Dự kiến, Nghị định này sẽ được trình Chính phủ vào cuối năm 2021 và chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2022. Vì vậy, để đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải có sự thống nhất với quan điểm mới, các quy định mới của Luật BVMT 2020.
“Điều này dựa trên nguyên tắc: khi tư duy quản lý thay đổi, phương thức quản lý thay đổi thì chế tài đi kèm phải rà soát lại để có sự điều chỉnh mới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu, Thanh tra Bộ lập kế hoạch cụ thể để các đơn vị lấy làm căn cứ thực hiện tiếp theo. Để đưa ra các quy định có tính thực tế, khả thi, khoa học, cần sử dụng phương pháp chuyên gia, thông qua việc tổ chức các tọa đàm, hội thảo, điều tra xã hội học các nhóm đối tượng tác động để đảm bảo tính khách quan.
Theo rà soát của Thanh tra Bộ TN&MT, trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có tổng số 32 nhóm hành vi cần quy định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có 14 nhóm hành vi được quy định mới hoàn thoàn, 13 nhóm hành vi đã được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP nhưng cần sửa đổi, bổ sung và 05 nhóm hành vi được kế thừa hoàn toàn theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP.
Đối với 14 nhóm hành vi được quy định mới thì có 11 nhóm hành vi liên quan đến nội dung do Tổng cục Môi trường được giao chủ trì xây dựng trong Luật và Nghị định hướng dẫn thi hành, 01 nhóm hành vi liên quan đến nội dung do Cục Biến đổi khí hậu được giao chủ trì xây dựng Luật và Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn, 01 nhóm hành vi liên quan đến nội dung do Vụ Pháp chế được giao chủ trì xây dựng Luật và Nghị định hướng dẫn thi hành, 01 nhóm hành vi liên quan đến nội dung do Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường.
Đối với 13 nhóm hành vi đã được quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP nhưng phải sửa đổi bổ sung thì nội dung cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành là rất nhiều.
Ngoài ra, do Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 có nhiều nội dung thay đổi nên cần thiết phải rà soát, điều chỉnh và xây dựng các quy định của Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho phù hợp./.